Làm bạn với con
Bên cạnh việc chăm lo chế độ ăn uống, cha mẹ cũng cần quan tâm đến đời sống tinh thần, chú ý đến tâm tư, tình cảm của trẻ, nhất là thông qua mạng xã hội. Đây là phương tiện có sức hấp dẫn lớn với lượng thông tin đồ sộ, giúp các em dễ dàng khám phá thế giới. Tuy nhiên, người lớn cần theo sát nhằm định hướng cho trẻ sử dụng đúng cách.
Nỗi lo của cha mẹ
Mạng xã hội (MXH) như Facebook, Youtube vô cùng thuận tiện để theo dõi, nắm bắt và chia sẻ thông tin. Người dùng có thể tự do lựa chọn, tìm kiếm nội dung hay thậm chí được các nguồn kênh chủ động tiếp cận, cung cấp thông tin liên quan. Tuy nhiên, chính yếu tố này lại khiến bậc phụ huynh lo lắng, nhất là với những gia đình có con đang học cấp 1, 2 bởi nhận thức của trẻ còn hạn chế.
Chị Phạm Lê Ngọc Quyên (ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) đi làm cả ngày, đến tối mới rảnh rỗi. Sợ con buồn chán, chị thường cho con sử dụng điện thoại thông minh để xem phim hoạt hình trên Youtube. Tuy nhiên, có lúc vô ý vì mải loay hoay chuyện bếp núc, chị để cô con gái mới học lớp 1 tự do sử dụng, dẫn đến việc cháu vì tò mò, chọn phải những clip chưa phù hợp với lứa tuổi.
Chị chia sẻ: “Cha mẹ vì làm việc hoặc bận việc nhà nên có lúc lơ là trong việc theo sát con khi dùng MXH. Trẻ còn nhỏ, nhận thức chưa đầy đủ, nếu tiếp xúc thường xuyên, lâu dài thì hậu quả sẽ khó lường”. Gia đình chị Quyên đã hạn chế thời gian sử dụng điện thoại thông minh của con và luôn có mặt khi con sử dụng MXH.
Tương tự, anh Lê Tuấn Anh (phường Bình Định, TX An Nhơn), trong một lần cho con gái 7 tuổi thử “lướt” Facebook của mình, dù đã trông chừng nhưng vẫn vô tình để con xem phải clip bạo lực từ một trang lạ. “Tôi chỉ cho con tiếp xúc với các trang dành cho trẻ em, ứng dụng đúng lứa tuổi như Youtube Kids, nhưng khả năng để lọt các hình ảnh, âm thanh chưa phù hợp với bé vẫn xảy ra, ngay cả khi có bố mẹ trông chừng. Do đó, tôi rất băn khoăn trước việc để trẻ tiếp xúc với MXH”, anh tâm sự.
Giải pháp hữu ích
Cha mẹ không nhất thiết cấm hoàn toàn trẻ sử dụng MXH, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay; tuy nhiên việc sử dụng phải có những nguyên tắc phù hợp. Bằng cách theo sát, định hướng nội dung giải trí trên nền tảng Facebook, Youtube, Tik Tok… đồng thời thường xuyên lọc, kiểm tra các hội, nhóm mà trẻ tham gia, cha mẹ có thể hạn chế tối đa việc trẻ tiếp xúc với thông tin độc hại, ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển.
Bên cạnh đó, việc tận dụng lợi ích tối đa của mạng xã hội cũng được nhiều cha mẹ hiện đại lựa chọn. Xem đây là “người thầy đa năng”, chị Dương Thị Hiền (phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) đã thường xuyên tìm, đổi mới các bài giảng để con gái Huỳnh Thị Thu Hòa (9 tuổi) bớt nhàm chán trong suốt quá trình học trực tuyến vừa qua. Nhờ đó, thành tích học tập của bé luôn nằm trong top đầu của lớp.
Chị Hiền và bé Hòa vừa học, vừa chơi trên ứng dụng Youtube Kids. Ảnh: D.L
Hòa chia sẻ: “Mỗi tối, mẹ và em thường lên Youtube xem các bài giảng mới. Ngoài ra, mẹ còn hướng dẫn em các mẹo tính toán thông qua 1 số clip ngắn trên mạng. Không những vậy, mẹ còn cho phép em xem hoạt hình, trò chuyện với bạn bè sau giờ học trong khoảng 30 - 60 phút. Bởi vậy, tinh thần em luôn thoải mái”.
Bên cạnh việc tận dụng MXH làm phương tiện hỗ trợ nuôi dạy con, một số phụ huynh còn chủ động lập tài khoản Facebook, Youtube cho trẻ, đăng tải những hoạt động của con lên MXH; đợi khi con đủ tuổi, sẽ để con tự quản lý. Đây là cách cha mẹ “góp kỷ niệm”, giúp con lưu giữ nhiều khoảnh khắc đáng nhớ.
Sở hữu kênh Youtube riêng, thường xuyên đăng những clip ghi lại những trải nghiệm của con khi học làm thí nghiệm, tập làm bánh... chị Nguyễn Cẩm Tú (phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) xem nền tảng này là quyển nhật ký mở của 3 mẹ con. Với chị, MXH có lợi hay hại phụ thuộc vào cách người lớn dùng và định hướng cho trẻ. Bởi vậy, chị đóng vai trò như người bạn lớn, cùng con chia sẻ buồn vui.
“Không chỉ tôi mà nhiều bạn bè cũng lựa chọn cách làm này, thay vì ngăn cấm con. Bởi khi đó, trẻ sẽ dễ có cảm giác không được thấu hiểu, tôn trọng, dần tạo khoảng cách với cha mẹ, càng khó nắm bắt được tâm tư, suy nghĩ của con”, chị Tú chia sẻ.
DƯƠNG LINH