Lảnh lót tiếng chim giữa phố
Sáng sớm, ngồi nhâm nhi tách trà, ly cà phê, thưởng thức tiếng chim chào mào hót líu lo, là niềm vui của nhiều người. Chẳng thế mà thú chơi chim, dưỡng chào mào, giờ đã phát triển thành phong trào ở nhiều địa phương, trong đó có TP Quy Nhơn.
Một buổi sáng đầu tháng 4, tôi đến quán cà phê Vành Khuyên nằm trong hẻm 484 Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn. Trong khoảng sân rộng gần 100 m2 của quán, hàng chục chú chim chào mào đang dang cánh, ưỡn ngực cất cao tiếng hót. Những người chơi chim ngồi nhâm nhi tách cà phê và cùng trao đổi về kinh nghiệm chơi chào mào.
Những người nuôi chim cảnh ngồi thành vòng tròn, vây quanh hàng chục lồng chim chào mào và say sưa nghe đàn chim thi nhau trổ giọng, nhìn chúng vỗ cánh, xòe đuôi, chao lượn, chạy cầu… Ông Lý Giang Đức, 54 tuổi, ở phường Quang Trung - người được giới chơi chim cảnh ở TP Quy Nhơn gọi là “lão tướng” thuần dưỡng chào mào, chia sẻ: 3 năm nay, quán cà phê này trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều anh, chị đam mê chơi chim chào mào. Bình quân mỗi ngày có 30 - 50 lồng chim chào mào được treo, ngày cuối tuần lên đến cả trăm lồng. Phong trào chơi chim chào mào ở thành phố phát triển khá mạnh trong vài năm qua.
Chim chào mào tuy dễ nuôi, nhưng muốn chúng hót hay và có nết chơi đẹp thì phải biết “xem tướng” để chọn được chú chim có tố chất tốt. Công đoạn chăm sóc, luyện tập, đòi hỏi người nuôi phải kiên trì. Ông Lý Giang Đức đang nuôi 15 con chim chào mào, thổ lộ về kinh nghiệm tuyển chim: Chim chào mào có mã đẹp là những con dài đòn, mào dày, ngực nở, đuôi dày xòe. Con nào có đặc điểm này thường hót thánh thót, kéo dài và giọng điệu chuyển liên tục. Để chim sung mãn cần cho ăn đầy đủ nhiều loại trái cây (chuối, đu đủ…), cám thực phẩm, thực phẩm chức năng và cả thức ăn tươi sống như cào cào, châu chấu.
Ông Hà Hữu Ngọ đam mê chơi chim chào mào. Ảnh: TRỌNG LỢI
Theo kinh nghiệm của ông Hà Hữu Ngọ, 68 tuổi, ở 59B Nguyễn Văn Trỗi, TP Quy Nhơn, khi thuần dưỡng chim chào mào đến giai đoạn ra giọng, dạn dĩ với người ở mọi lúc mọi nơi, thì cần thường xuyên đưa chim đến trường chim để chim làm quen, thi thố với những con chim khác. Có vậy, chim sẽ ngày càng có “lửa”, sung sức, giọng hót càng thêm hay. Nhiều năm nay, những buổi sáng không mưa, ông Ngọ đều mang chim chào mào đến quán Vành Khuyên chơi, giao lưu với bạn bè. Ngoài việc để tập dượt cho chim, những người cùng chung sở thích như ông Ngọ còn muốn gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm nuôi chim. Đây cũng là nơi mang đến cho họ nhiều cảm xúc thú vị.
“Tôi đang nuôi cả trăm con chim. Ngoài hơn 80 con chim chào mào, tôi còn nuôi nhiều loài chim khác (chích chòe lửa, họa mi, khướu…). Sau một ngày làm việc vất vả, tâm trạng tôi trở nên nhẹ nhàng, sảng khoái khi nghe tiếng chim hót…”, ông Ngọ thổ lộ niềm đam mê nuôi chim cảnh.
Chơi chim chào mào đã trở thành trào lưu của giới chơi chim cảnh ở TP Quy Nhơn. Vì vậy, gần đây, những quán cà phê - trường chim xuất hiện ngày nhiều; trong số này, có thể kể đến các trường chim ở: Cà phê số 9 Phùng Khắc Khoan, Cà phê Nam Cao trên đường Tây Sơn và một số quán cà phê ở đường Tôn Thất Tùng, Thanh Niên, Nguyễn Thị Định…
Chơi chim chào mào trở thành thú vui của nhiều người. Chào mào trở thành người bầu bạn sớm hôm, bằng giọng hót thánh thót, réo rắt, trong trẻo, nó giúp con người quên đi bao nỗi lo toan của cuộc sống thường ngày trong niềm vui nho nhỏ từ thú vui này. Tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, không gian thiên nhiên hẹp dần, áp lực cuộc sống, công việc vì thế cũng nhiều hơn. Do đó, giữa chốn phố phường nhộn nhịp, được nghe những tiếng hót thánh thót của những chú chim chào mào cũng giúp mọi người cảm thấy khoan khoái, thanh bình.
TRỌNG LỢI