Thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển KT-XH nhanh hơn, bền vững hơn
(BĐ) - Sáng 5.4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình KT-XH quý I/2022; chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 và việc triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia. Dự Hội nghị tại điểm cầu Bình Định có các đồng chí: Nguyễn Phi Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng; cùng đại diện các sở, ngành của tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: TIẾN SỸ
Theo đánh giá tại hội nghị, các cấp, các ngành, địa phương đã quán triệt, thực hiện nghiêm tinh thần chủ đề điều hành năm 2022 Chính phủ: “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển” với nhiều giải pháp cụ thể. Nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước tạo động lực thúc đẩy phát triển trên nhiều ngành, lĩnh vực. Nhờ đó, KT-XH đã dần phục hồi và phát triển. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là có 60.000 DN đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường, tăng 36,7%, cao nhất trong các quý I từ trước đến nay. Sản xuất công nghiệp đã khởi sắc, giá trị tăng thêm toàn ngành 7,07% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất khẩu, thương mại, dịch vụ cũng đã phục hồi mạnh mẽ; thu ngân sách đạt 32,6% so với dự toán, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Các ngành, lĩnh vực hoạt động văn hóa - xã hội, GD&ĐT tiếp tục có chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Tuy nhiên, nước ta vẫn còn rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, có thể tác động đến hiệu quả chính sách hỗ trợ, làm chậm đà tăng trưởng, ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi nền kinh tế.
Công tác phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 cũng đã được các bộ, ngành địa phương triển khai với nhiều quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư hơn 446.123 tỷ đồng, đạt 90% với tổng số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn còn chậm, tỷ lệ vốn giải ngân mới chỉ đạt 11,88% so kế hoạch. Nguyên nhân là có 13/51 bộ, ngành và 21/63 địa phương chưa phân bổ vốn đầu tư năm 2022; tỷ lệ giải ngân của 73 bộ, ngành còn thấp đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung của cả nước.
Đối với các dự án quan trọng quốc gia, có 5 dự án đã và đang được Bộ GTVT và các địa phương triển khai, trong đó dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 dài 652,86 km đã thi công nhiều năm qua nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tiến độ giải ngân còn chậm. Dự án tuyến tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 dài 729 km và dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đảm bảo yêu cầu về tiến độ. Các dự án: Tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành các thủ tục cần thiết và đang trình Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội xem xét.
Bình Định được Chính phủ đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt các giải pháp phục hồi, phát triển KT-XH. Tổng sản phẩm địa phương quý I tăng 6,5% so với cùng kỳ, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,37%; dịch vụ tăng 7,06%. Đến ngày 31.3.2022, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý là 1.519 tỷ đồng, đạt 19,49% kế hoạch năm. Tỉnh cũng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT triển khai dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Nguồn: BTV
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Những kết quả đạt được trong quý I/2022 khá toàn diện, đồng bộ trên tất cả lĩnh vực. Điều này cho thấy các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ phục hồi và phát triển KT-XH. Các đơn vị, địa phương cũng đã phối hợp giải quyết khá tốt khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển KT-XH nhanh hơn, bền vững hơn. Các bộ ngành, địa phương cần phát huy hơn nữa tinh thần tự lực tự cường, tự chủ về kinh tế, huy động sự vào cuộc của người dân và DN để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, đóng góp cho nền kinh tế cả nước. Việc chỉ đạo, điều hành cũng như việc lựa chọn các nhiệm vụ phát triển KT-XH cần có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn để đạt được mục tiêu đề ra.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo các các bộ, ngành ưu tiên nguồn lực vào 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đã đề ra để triển khai thực hiện từ nay đến cuối năm nhằm bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát. Trong đó, chú trọng đến việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện hiệu quả các công trình trọng điểm quốc gia, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
TIẾN SỸ