Hát đưa tàu ra nơi đầu sóng
Từ một sáng kiến ngoạn mục và thần tốc của Ngân hàng BIDV hướng ra Biển Đông đầy sôi động bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, tôi được đưa đến cửa Tam Quan của biển Hoài Nhơn - Bình Định tham dự lễ đưa tiễn 30 con tàu cá của ngư dân ra đánh bắt hải sản ở vùng biển đảo Hoàng Sa.
Tới Quy Nhơn, nghĩ tới Thế Hiển - một trong những nhạc sĩ có nhiều ca khúc về biển đảo Trường Sa - tôi đề nghị ban tổ chức mời thêm anh ra tham dự để cùng tôi đốt cháy ngọn lửa âm nhạc trước lúc những con tàu vươn khơi.
Sáng cuối tháng 5, đông chật bà con ngư dân đã tới dự buổi lễ long trọng và đầy ý nghĩa này. Sau lời khai mạc đầy thiết thực của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà trước bà con, lời phát biểu đanh thép của Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng và nhiều cấp lãnh đạo trung ương, địa phương đến lúc âm nhạc lên tiếng.
Từng hát trước những người lính Quảng Trị, Tây Nguyên thời chống Mỹ, lính Cao Bằng, Lạng Sơn thời tranh chấp biên giới 1979, đây lại là một lần tôi thích được hát “vo”, hát thẳng lòng mình trước đông đảo người nghe, những mong chia sẻ thật mộc mạc, giản dị những cảm xúc của một nhạc sĩ trong những ngày tháng 5 sôi sục tinh thần yêu nước của dân tộc mình ở khắp nơi. Nếu Hoàng Sa được nhạc sĩ Thế Song là nhạc sĩ đầu tiên nhắc đến trong “Nơi đảo xa”: “Đây Hoàng Sa, kia Trường Sa...”, thì sáng nay, tôi đã hát thẳng giai điệu về Hoàng Sa qua ca khúc “Hoàng Sa” (phổ thơ Nguyễn Hoa): “Bãi cát vàng - bãi cát vàng - Hoàng Sa - Hoàng Sa - Hoàng Sa... Sóng chìm, sóng nổi - bao ngôi mộ gió... Tiếng gọi từ Lý Sơn - Xương thịt cây dâu thiêng - Đang nói đang nói đang nói - Có tôi có tôi có tôi...” trong xúc động chứa chan. Dường như tất cả người nghe đều lắng nghe và thấu cảm những chia sẻ tận đáy tâm hồn tôi. Tiếng vỗ tay không còn là tán thưởng mà là nhịp trống thúc ran trời tiếp nối giai điệu. Ngọn lửa âm nhạc lại được khơi cháy trong nắng chói chang.
Là một nghệ sĩ nhà nghề, Thế Hiển bước lên sân khấu với cây đàn guitar thân thuộc, cổ thắt khăn rằn, mũ tai bèo hất đằng sau lưng. Với chất giọng trữ tình ấm áp, tác giả của những ca khúc yêu nước nổi tiếng như “Hát về anh” thời tranh chấp biên giới, “Nhánh lan rừng” thời chiến đấu giúp bạn Campuchia..., Thế Hiển đã hát vang “Vỏ ốc biển” - một ca khúc viết tặng lính hải quân ở đảo Trường Sa. Người hát Hoàng Sa, người hát Trường Sa, bộ đôi tôi và Thế Hiển đã khiến cho ngọn lửa âm nhạc bừng cháy đến nỗi một người bạn đã thốt lên câu lục bát nhận xét: “Người Hà Nội, người Sài Gòn/Hai người đá cặp vuông tròn cuộc chơi”. Thế Hiển cứ hát, tiếng hát như miết vào nắng, khiến nắng cùng lấp lánh trong không gian lộng gió. Khi Thế Hiển hát tiếp bản hành khúc lính hải quân: “Vượt sóng, vượt gió chúng tôi ra đảo xa...” thì cũng là lúc các thủy thủ, ngư dân lướt nhanh qua bãi cát nóng bỏng, lên các thuyền thúng, chèo vội vã ra những con tàu thân yêu của họ. Một cuộc lên đường vươn khơi còn vọng vang giai điệu cuối cùng trong bài “Vỏ ốc biển” của Thế Hiển, giai điệu phổ thơ Lý Thường Kiệt - câu thơ mở đầu bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của chúng ta: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư...”. Đúng thế! “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. Và bài tứ tuyệt đã khắc sâu vào tâm hồn Việt Nam, ý chí Việt Nam.
Trong nắng, nhìn những con tàu vững chãi vươn khơi tới Hoàng Sa, tôi không thể giấu nổi những giọt nước mắt cứ ứa ra chan chứa.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha
(theo báo Lao Động)