Tăng tốc hoàn thành cắm mốc giải phóng mặt bằng
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định đang được Ban Quản lý Dự án 2 và Ban Quản lý Dự án 85 phối hợp với các địa phương cắm mốc giải phóng mặt bằng theo đúng thời hạn hoàn thành là ngày 30.6.2022.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị nhanh chóng thực hiện theo kiểu cuốn chiếu và bàn giao ngay cho các địa phương vào đúng ngày 30.4.2022. Vì yêu cầu này, liên tục nhiều ngày qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đã chủ trì nhiều cuộc họp giữa Ban Quản lý (BQL) Dự án 2 và BQL Dự án 85 (Bộ GTVT) với người đứng đầu các địa phương, các sở, ban, ngành liên quan.
Ngày 6.4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp với Hội đồng bồi thường, GPMB và tái định cư các địa phương để thúc đẩy tiến độ thực hiện GPMB Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: HẢI YẾN
Ông Nguyễn Công Minh, Tổ trưởng tổ công tác BQL Dự án 85 cho biết: Trong tháng 3, Ban đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng (GPMB) đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn cho huyện Phù Mỹ; đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh cho huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn. Dự kiến hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ TN&MT vào ngày 10.4; lập báo cáo giám sát đầu tư cộng đồng dự kiến tới ngày 6.5.2022; hoàn chỉnh khung chính sách GPMB trình Thủ tướng Chính phủ vào ngày 4.5.2022…
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Bình Định có chiều dài 118,8 km với 3 dự án thành phần đi qua 8 huyện, thị xã, thành phố. Qua thống kê sơ bộ của các địa phương, khi triển khai dự án sẽ có khoảng 1.169 nhà dân, hàng trăm thửa đất cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật, mồ mả chịu ảnh hưởng. Khoảng 300 ha đất lúa và hơn 200 ha đất lâm nghiệp (58 ha rừng phòng hộ và hơn 146 ha rừng sản xuất) phải thu hồi, chuyển đổi mục đích để thi công công trình.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Lịch, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ kiến nghị: Cho đến nay, chúng tôi chưa nhận được bất cứ văn bản giao nhiệm vụ nào của các BQL dự án thuộc Bộ GTVT. Chúng tôi cố gắng làm rất nhiều việc như: Nỗ lực rà soát sơ bộvà ban đầu, xác định có khoảng 250 hộ thuộc các xã Mỹ Hiệp, Mỹ Hòa, Mỹ Trinh bị ảnh hưởng do tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đi qua. Dự kiến sẽ làm 4 khu tái định cư rộng tổng cộng 23,2 ha, tại các thôn Đại Thuận, Thạnh An thuộc xã Mỹ Hiệp; bố trí 2 khu đất rộng 6,7 ha tại thôn Phước Thuận, xã Mỹ Hòa và thôn Trinh Vân Bắc, xã Mỹ Trinh để làm bãi thải phục vụ Dự án; thành lập 3 tổ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phục vụ Dự án. Những việc có thể làm được chúng tôi đã thực hiện xong, nhưng nếu các BQL dự án không đưa ra được khung chính sách GPMB sớm thì mọi việc sẽ đứng nguyên ở đó. Sẽ rất khó hoàn thành tiến độ đặt ra - bàn giao 70% diện tích mặt bằng trước ngày 20.11.2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023. Không có khung chính sách GPMB thì lấy gì xử lý việc áp giá đền bù đất, tài sản trên đất và nhiều thứ khác nữa cho dân. Mà chưa làm được việc ấy thì làm sao bàn giao mặt bằng?
“Cả hệ thống chính trị, các địa phương, sở, ban, ngành tập trung tuyên truyền cho DN, người dân hiểu được lợi ích của dự án. UBND các huyện, thị, thành phố có dự án đi qua đẩy mạnh công tác phòng, chống lấn chiếm, cơi nới, trồng cây trái phép. Mỗi xã, phường lập tổ kiểm tra di động nếu phát hiện sai phạm, xử lý ngay tại chỗ. Sở Tư pháp làm việc với các văn phòng công chứng không cho phép chuyển nhượng, tách thửa, chuyển đổi đất. Thanh tra các sở, ngành tổ chức thường xuyên đi kiểm tra, xử lý tại chỗ vi phạm. Chính quyền các thôn, xóm, xã, phường không chủ quan, lơ là. Nơi nào xảy ra vi phạm, lãnh đạo nơi ấy chịu hoàn toàn trách nhiệm. Chúng ta phải nỗ lực thực hiện dự án đúng tiến độ, đảm bảo Bình Định là địa phương thực hiện GPMB tốt nhất”.
Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN PHI LONG
Dù tại rất nhiều cuộc họp, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định sẽ ban hành kế hoạch sử dụng đất, kinh phí cho các địa phương vào cuối tháng 3. Nhưng nay đã sang tháng 4.2022, mọi việc vẫn đứng yên đó. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng ý kiến: “Các chủ đầu tư nên xin ý kiến Bộ GTVT, ban hành khung chính sách GPMB nên áp theo khung chính sách đã được phê duyệt của tỉnh, sẽ rút ngắn thời gian điều chỉnh và địa phương mạnh dạn thực hiện cho kịp tiến độ đề ra. Các địa phương đã nỗ lực hoàn thành các khâu chuẩn bị nhưng nếu không có khung chính sách GPMB thì không thể thực hiện các bước tiếp theo. Nếu dự kiến của Bộ GTVT trình Thủ tướng vào ngày 4.5 thì ít nhất cuối tháng 5 mới ban hành”.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long khẳng định: Nếu các BQL dự án của Bộ GTVT không sớm ban hành kế hoạch sử dụng đất, khung chính sách GPMB thì các địa phương khó đảm bảo tiến độ GPMB. Dù vậy, những việc có thể làm trước chúng ta phải nỗ lực làm ngay. Theo kế hoạch chung, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng loạt, giải quyết nhiều hạng mục: Khảo sát các hạng mục mỏ vật liệu, bãi thải, khu tái định cư, các đoạn đường hoàn trả, các công trình phụ trợ phục vụ thi công... Một vấn đề rất quan trọng là phải đảm bảo việc tiêu thoát lũ trên toàn tuyến, do đó, các BQL dự án cần tiếp thu ý kiến đóng góp của địa phương tránh tình trạng đường làm xong, địa phương chịu thiệt hại nặng nề do ngập lụt. Do đó, lãnh đạo chính quyền các địa phương cũng phải hết sức quan tâm, sâu sát và báo cáo chi tiết về vấn đề này.
BQL dự án cắm cọc mốc GPMB tại xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn. Ảnh: HẢI YẾN
UBND tỉnh đang đề nghị BQL dự án sớm cung cấp bản đồ hướng tuyến, hồ sơ khảo sát, hình ảnh hiện trạng để các địa phương có cơ sở quản lý mặt bằng dự án, hạn chế tối đa việc lấn chiếm, xây cất, trồng trọt, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm trục lợi chính sách bồi thường GPMB…
HẢI YẾN