QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP CÁC SẢN PHẨM ĐẶC TRƯNG Ở TX AN NHƠN:
Bảo vệ uy tín, nâng cao giá trị sản phẩm
Nhiều năm qua, được sự giúp đỡ của Sở KH&CN, TX An Nhơn đã tích cực triển khai các hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm đặc trưng ở địa phương; góp phần nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm, tăng thu nhập cho đơn vị sản xuất, người lao động.
Đến nay, có 5 sản phẩm làng nghề ở TX An Nhơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận, gồm: Rượu Bàu Đá, Mai vàng Nhơn An, Bánh tráng Trường Cửu, Nón lá Gò Găng và Gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu.
Rượu Bàu Đá (xã Nhơn Lộc) là sản phẩm đầu tiên của TX An Nhơn nói riêng, của cả tỉnh nói chung được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể vào năm 2007. Đây là tiền đề quan trọng để người dân làng nghề bảo vệ uy tín sản phẩm, mở rộng sản xuất, tăng thu nhập.
Sản phẩm rượu Bàu Đá ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: TRỌNG LỢI
Ông Lê Văn Thưởng, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh rượu Bàu Đá Bình Định, cho biết: Làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá có 29 hộ nấu rượu, mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 72.000 lít rượu, với 3 dòng sản phẩm chính - rượu nếp, rượu gạo và rượu đậu xanh. Bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá còn hướng đến phát triển du lịch cộng đồng.
“Việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm đặc trưng ở TX An Nhơn đã góp phần định hướng phát triển, bảo vệ uy tín thương mại hàng hóa trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, làm hàng giả, hàng nhái, chiếm đoạt bất hợp pháp… Qua đó, nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm, mang lại lợi nhuận cho đơn vị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân lao động”
TS LÊ CÔNG NHƯỜNG, Giám đốc Sở KH&CN
Mai vàng Nhơn An là sản phẩm đặc trưng nổi tiếng tiếp theo của TX An Nhơn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể vào năm 2013. Từ khi được bảo hộ nhãn hiệu, giá trị của sản phẩm làng nghề được nâng cao, người dân yên tâm trồng, chăm sóc. Đến nay, hơn 1.500 hộ ở 5 làng nghề trồng mai cảnh Háo Đức, Thanh Liêm, Tân Dương, Thuận Thái và Trung Định thuộc xã Nhơn An được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí làng nghề. Vụ mai xuân cuối năm 2021, người trồng mai ở Nhơn An thu về hơn 54 tỷ đồng (bình quân mỗi hộ 400 - 500 triệu đồng). Đến nay, cùng với Nhơn An, nghề trồng mai xuân còn phát triển ra nhiều địa phương khác với hơn 15.000 hộ tham gia.
Hiện nay, Sở KH&CN đã chủ trì thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng của tỉnh Bình Định”. Dự án nằm trong Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 được Bộ KH&CN phê duyệt. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý như một bằng chứng bảo đảm với người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân địa phương, giúp người dân yên tâm phát huy tiềm năng, thế mạnh các làng nghề.
Có thể thấy, việc đẩy mạnh thực hiện xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đặc trưng ở TX An Nhơn đã và đang mang lại nhiều hiệu quả. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở KH&CN, qua thực tế triển khai còn nảy sinh nhiều hạn chế như: Địa phương mới chú trọng đến công tác xác lập quyền, chưa đầu tư cho công tác quản lý, phát triển quyền sở hữu công nghiệp, chưa có giải pháp phát triển bền vững các sản phẩm… nên giá trị các sản phẩm chủ lực chưa phát triển xứng tầm.
Để sản phẩm phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao sau khi được xác lập quyền sở hữu công nghiệp, ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, cho biết chính quyền địa phương sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với UBND các xã, phường nghiên cứu, hướng dẫn, hỗ trợ người sản xuất ở làng nghề cải tiến dây chuyền sản xuất, tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh…
TRỌNG LỢI