Trồng rau mầm trên mùn cưa đạt hiệu quả cao
Sau một thời gian thử nghiệm, anh Trịnh Văn Tùng, 38 tuổi ở xã Bình Tường, huyện Tây Sơn đã thành công trong việc sử dụng mùn cưa làm nguyên liệu để trồng rau mầm tại nhà. Điểm đáng chú ý là loại mùn cưa mà anh Tùng sử dụng làm giá thể chính là loại mùn cưa cây cao su vốn dùng trồng nấm bào ngư xong thải ra. Việc tái sử dụng loại giá thể này để trồng rau mầm bất ngờ đạt hiệu quả cao.
Anh Tùng chia sẻ: Để trồng rau mầm, mình có thể dùng nhiều loại giá thể như xơ dừa, đất mùn. Tôi có lợi thế lớn là sở hữu gia trại trồng nấm bào ngư quy mô 10.000 bịch phôi/vụ; sau mỗi vụ thải ra một lượng bịch phôi không nhỏ. Trước đây, đó là rác thải nhưng nay được tận dụng làm giá thể trồng rau mầm sau khi xử lý lại. Rau mầm ưa bóng tối trong thời gian đầu, nên phải để trong bóng tối kích thích hạt nảy mầm. Khi mầm đã nhú đều, phải chuyển khay rau ra ngoài nơi giàu ánh sáng; khoảng 5 - 7 ngày tính từ khi gieo hạt là thu hoạch.
Anh Trịnh Văn Tùng chăm sóc rau mầm ở vườn nhà.
Hạt giống rau mầm anh Tùng sử dụng là hạt cải, hạt rau muống và đậu Hà Lan. Mỗi ngày, anh Tùng cung cấp cho thị trường từ 15 - 20 kg rau mầm. Giá bán từ 40.000 đồng - 70.000 đồng/ kg, từ “nhánh rẽ” này mỗi tháng anh Tùng thu lãi khoảng 15 triệu đồng.
Trồng rau mầm không phải là nghề mới, cũng không khó làm. Tuy nhiên, sáng tạo của anh Trịnh Văn Tùng rất đáng ghi nhận, khi vừa tiết kiệm nguyên liệu, giảm phát thải rác lại chủ động được nguyên liệu tại chỗ, tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo ra sản phẩm sạch.
ĐÀO MINH TRUNG