Luật hóa vấn đề chống rác thải nhựa
2022 được xem là năm đánh dấu mốc trong công tác bảo vệ môi trường khi Luật Bảo vệ môi trường với nhiều quy định mới mang tính đột phá có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1. Trong đó, vấn đề quản lý rác thải nhựa - lĩnh vực ô nhiễm đáng báo động - sẽ không còn dừng ở giới hạn kêu gọi, vận động thực hiện mà đã chính thức được luật hóa chặt chẽ, gắn với lộ trình cụ thể.
Quy định cụ thể, chặt chẽ
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở TN&MT), Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) đã quy định nhiều nội dung mang tính đột phá, căn cơ và chặt chẽ, toàn diện để phòng ngừa, giảm thiểu việc phát sinh rác thải nhựa (RTN) ngay từ khâu sản xuất, nhập khẩu. Hai nhóm nội dung lớn được Luật quy định là kiểm soát, hạn chế việc phát sinh RTN và quản lý hiệu quả RTN đã phát sinh.
Trong đó, lần đầu tiên, Luật quy định về kinh tế tuần hoàn là một trong những chính sách của Nhà nước về BVMT. Để đảm bảo cho mô hình kinh tế này được thúc đẩy, phát triển, Luật quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải.
Cán bộ, người dân xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) ra quân làm sạch biển, thu gom RTN. Ảnh: Hội LHPN TP Quy Nhơn
Một điểm mới khác là lần đầu tiên có quy định về mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc, thông qua 1 trong 2 hình thức: Tự tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT. Từ đây, trách nhiệm của nhà sản xuất được mở rộng đến cuối vòng đời sản phẩm khi chúng trở thành rác thải. Quy định này được xem là giải pháp giảm việc thải bỏ, tăng tái chế, đồng thời góp phần chia sẻ gánh nặng tài chính trong công tác quản lý chất thải rắn (trong đó có RTN) ở nước ta.
Theo số liệu do Sở TN&MT cung cấp, năm 2021, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 898 tấn/ngày, trong đó RTN chiếm khoảng 10%. Lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom về các bãi chôn lấp (cả bãi hợp vệ sinh và bãi không hợp vệ sinh) khoảng 627 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom trung bình toàn tỉnh đạt khoảng 70%, trong đó ở khu vực đô thị được thu gom 81%, nông thôn 40%.
Bên cạnh đó, Luật quy định riêng về việc thu gom RTN từ các nguồn phát sinh khác nhau. Cụ thể như, RTN phát sinh từ các hoạt động kinh tế trên biển phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý, không được thải bỏ xuống biển hay hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông. Đối với việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt, một số quy định mới như bắt buộc phân loại rác tại nguồn, phí rác thải dựa trên khối lượng/ thể tích (thay vì đổ đồng theo hộ gia đình như lâu nay)… được xem là những giải pháp thiết thực góp phần vào mục tiêu chung nhằm giảm thiểu tối đa RTN.
“Mở đường” cho quản lý RTN
Về lộ trình thực hiện, từ ngày 1.1.2026 không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50 x 50 cm; giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, đến sau ngày 31.12.2030 dừng sản xuất, nhập khẩu (trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường). UBND cấp tỉnh ban hành quy định và tổ chức triển khai hoạt động quản lý RTN, bảo đảm sau năm 2025 không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch.
Luật BVMT cũng quy định việc nhiều công cụ kinh tế nhằm hỗ trợ thực hiện đồng bộ công tác BVMT. Trong đó, đẩy mạnh các chính sách thuế đối với các sản phẩm hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường; ưu đãi, hỗ trợ đối với các hoạt động sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, công nghệ sạch, tái chế, tái sử dụng chất thải.
“Với nhiều quy định, chính sách mới mang tính đột phá, Luật BVMT và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật được kỳ vọng tạo bước tiến lớn trong công tác BVMT. Riêng với vấn đề RTN, bên cạnh tạo cơ sở pháp lý, góp phần định hướng cho công tác quản lý; giá trị, ý nghĩa của việc luật hóa vấn đề này còn rất quan trọng trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người dân”, ông Cường nhận định.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội LHPN TP Quy Nhơn Trương Thị Bích Hoa cho rằng, sự ra đời của Luật BVMT cùng các quy định về RTN tạo thuận lợi cho đơn vị trong thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực quản lý và ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng địa phương, xây dựng mô hình cộng đồng thu gom, phân loại, xử lý nhằm giảm thiểu RTN tại các xã, phường ven biển thuộc Vịnh Quy Nhơn” trong thời gian tới.
“Công tác tuyên truyền về RTN thay đổi tính chất, từ kêu gọi, vận động sang phổ biến, thông tin về Luật để người dân nắm và chủ động thực hiện. Bước chuyển quan trọng này sẽ tác động tích cực tới nhận thức và nâng cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân”, bà Hoa nói.
Theo Chi cục BVMT, tại Bình Định, công tác triển khai thi hành Luật BVMT đã và đang được tích cực thực hiện: UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 73/ KH-UBND ngày 22.6.2021 triển khai thi hành Luật, Sở TN&MT đã tổ chức Hội thảo triển khai thi hành Luật, cùng với đó là các hoạt động tuyên truyền, tập huấn ở nhiều địa phương.
SAO LY