QUẢN LÝ, VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN TRUYỀN TẢI VỚI SỰ HỖ TRỢ CỦA DRONE:
Tăng độ an toàn, giám sát đến chi tiết
Nhằm khắc phục những khó khăn trong quản lý, vận hành lưới điện truyền tải, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cho công nhân và kịp thời phát hiện sự cố lưới điện, Truyền tải điện Bình Định (Công ty Truyền tải điện 3) đã chủ động ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, trong đó có ứng dụng thiết bị bay không người lái bên trong (Unmanned Aerial Vehicle - UAV, hay còn được gọi là drone, flycam).
Theo ông Trần Hồng Tuấn, Giám đốc Truyền tải điện Bình Định, đơn vị đang quản lý, vận hành hơn 245 km đường dây 220 kV đi qua địa bàn tỉnh Bình Định và một phần tỉnh Gia Lai; 3 trạm biến áp 220 kV tại Quy Nhơn, Phước An, Phù Mỹ với tổng dung lượng 955 MVA. Lưới điện do đơn vị quản lý chủ yếu vượt qua địa hình phức tạp, núi cao, đèo dốc và bị chia cắt bởi nhiều sông, suối. Song, với sự phát triển của hệ thống năng lượng tái tạo tại khu vực đấu nối vào lưới điện truyền tải phát công suất cao, dẫn đến lưới điện do đơn vị quản lý, vận hành rất dễ gặp trường hợp đầy tải và quá tải. Từ năm 2021, đơn vị đã tăng cường ứng dụng UAV vào kiểm tra, đánh giá các thiết bị điện trên cao, dây dẫn ở những khoảng cột khó tiếp cận, kể cả khi đường dây đang mang điện.
Công nhân Truyền tải điện Bình Định sử dụng thiết bị bay flycam kiểm tra đường dây, thiết bị điện tuyến đường dây 220 kV Quy Nhơn - Tuy Hòa. Ảnh: T.PHÁT
Truyền tải Bình Định đã thành lập Tổ vận hành công nghệ thuộc Đội Truyền tải điện Quy Nhơn có nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng và vận hành UAV (hỗ trợ chụp ảnh nhiệt). Qua thực tế vận hành đã cho thấy hiệu quả cao, như: Vận hành ổn định, hình ảnh chụp rõ nét; tiếp cận được những vị trí khó qua lại, giảm được nhân lực khi kiểm tra đột xuất, có thể làm việc trong nhiều điều kiện thời tiết khắc nghiệt; xác định nhanh điểm sự cố cũng như tình trạng hư hỏng thiết bị điện sau sự cố, giảm thời gian cắt điện; có thể lấy kết quả chụp ảnh nhiệt tại chỗ và xử lý nhanh nguy cơ sự cố do phát nhiệt…
Nhờ UAV mà cuối năm 2021 Truyền tải điện Bình Định đã kịp thời phát hiện 2 sự cố trên đoạn đường dây 220 kV Nhà máy Thủy điện An Khê - Nhà máy điện Sinh Khối An Khê liên quan đến các đơn vị vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng vi phạm khoảng cách an toàn với dây điện trên đèo An Khê, đoạn thuộc xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn. UAV đã chụp được vết phóng điện trên dây dẫn trên tuyến, nhờ đó công tác xử lý, khắc phục sự cố diễn ra nhanh hơn trước rất nhiều.
Ngoài ra, nhờ UAV có khả năng tiếp cận sâu, hình ảnh hiện trường chụp từ UAV giúp nhân viên kỹ thuật phân tích, đánh giá chính xác hiện trạng hành lang tuyến, thiết bị của hệ thống. Nhờ UAV mà lực lượng tuần tra giám sát có thể tiếp cận gần với hiện trường tại những vị trí trước đây phải mất rất nhiều thời gian vượt khe, cắt đường, phát cây bụi… Nay với tính cơ động UAV chẳng những đã tiếp cận nhanh mà còn cung cấp ngay lập tức hình ảnh hiện trường. Cuối năm 2021, UAV giúp phát hiện 17 vị trí móng cột điện có nguy cơ mất an toàn do sạt lở đất, khai thác đất. Được sự hướng dẫn của Công ty Truyền tải điện 3, Tổ vận hành công nghệ đã tích hợp thêm bộ phun lửa vào UAV để đốt các loại vật bay vướng trên dây dẫn (trong đó có rất nhiều diều giấy vải, diều nhựa) mà không cần cắt điện.
Để phát huy mạnh mẽ hiệu quả của UAV, ông Lê Minh Trung, Trưởng phòng Kỹ thuật, Truyền tải điện Bình Định, cho hay: Pin của UAV phổ biến chỉ cho bay liên tục trong chừng 25 phút, chúng tôi đang nghiên cứu gắn thêm pin để vừa bay lâu hơn vừa đảm bảo an toàn; đồng thời sẽ bố trí tay cầm điều khiển thiết bị với màn hình riêng vận hành độc lập.
ĐÌNH PHƯƠNG