Kỷ niệm 10 năm ngày phục dựng Văn chỉ Hoài Ân
(BĐ) - Sáng 7.4, tại di tích Văn chỉ Hoài Ân (thôn Hội An, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân), Ban quản lý Văn chỉ Hoài Ân (thuộc UBND huyện Hoài Ân) tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm ngày phục dựng Văn chỉ Hoài Ân (14.4.2012 - 14.4.2022). Tham dự lễ có đại biểu lãnh đạo huyện Hoài Ân, TX Hoài Nhơn, cùng cán bộ, nhân dân địa phương.
Đọc văn tế, dâng hương trong đền thờ chính Văn chỉ Hoài Ân. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Sau nghi thức tế lễ, dâng hương tại đền thờ chính của di tích, Ban quản lý Văn chỉ Hoài Ân báo cáo tổng kết 10 năm hoạt động của Văn chỉ. Văn chỉ Hoài Ân ngày xưa là Văn chỉ phủ Hoài Nhơn, hình thành vào năm 1867. Đây là nơi thờ Vạn thế Sư biểu Khổng Tử và các bậc tiên hiền, các nhà khoa bảng của phủ Hoài Nhơn xưa. Văn chỉ phủ Hoài Nhơn xưa - một trong 7 văn chỉ nổi danh của tỉnh Bình Định - do cụ Hồ Văn Nghĩa, người làng Vĩnh Phước (nay là thôn Vĩnh Viễn, xã Ân Tường Đông) đỗ cử nhân hàng 14/16 năm Minh Mạng thứ 2 (năm 1821), làm quan tới chức Tham tri - là người có công đầu trong việc sáng lập, quy tụ các nhà khoa bảng trong vùng góp công xây dựng văn chỉ; đồng thời cũng là Chỉ trưởng đầu tiên của Văn chỉ phủ Hoài Nhơn.
Đại biểu tham quan khu nhà bia tôn vinh chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ và bia ghi danh 37 vị tiến sĩ, cử nhân của huyện Hoài Ân, TX Hoài Nhơn qua các kỳ khoa cử ngày xưa. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Văn chỉ Hoài Ân hoạt động đến năm 1945 thì bị chiến tranh tàn phá. Đến năm 2012, Văn chỉ Hoài Ân được phục dựng trên nền văn chỉ xưa và được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào tháng 3.2012.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Trần Văn Thơm (bên phải) trao giấy khen của UBND huyện Hoài Ân cho Ban quản lý Văn chỉ Hoài Ân vì đã có thành tích phát huy giá trị di tích Văn chỉ Hoài Ân trong 10 năm qua. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tròn 10 năm phục dựng và hoạt động, Văn chỉ Hoài Ân đã phát huy giá trị, trở thành nơi tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài; giao lưu văn hóa nghệ thuật; gặp gỡ giữa các nhà trí thức trong và ngoài huyện. Tính đến năm 2021, tại Văn chỉ Hoài Ân, Hội Khuyến học huyện Hoài Ân và hội khuyến học các địa phương đã tổ chức vinh danh, khen thưởng 500 lượt cán bộ, giáo viên tiêu biểu; 1.400 lượt học sinh giỏi tiêu biểu của các trường; 900 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi; gần 1.000 học sinh giỏi từ cấp huyện đến cấp quốc gia; 17 thạc sĩ là cán bộ, công chức của các cơ quan trong huyện; tuyên dương 50 gia đình có nhiều người đỗ đạt cao và đạt danh hiệu “Gia đình học tập tiêu biểu”. Ngoài ra, Ban quản lý Văn chỉ Hoài Ân cũng đã đón tiếp, giới thiệu lịch sử văn chỉ, văn hóa địa phương cũng như truyền thống hiếu học cho gần 100 đoàn khách đến tham quan, trong đó có đoàn của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đến tham quan vào năm 2013. Nhiều trường học trên địa bàn huyện Hoài Ân đã chọn đây là địa điểm tổ chức cho học sinh sinh hoạt ngoại khóa để giáo dục truyền thống...
NGỌC NHUẬN