Có một dòng đờn ca tài tử chảy trên quê Nẫu
Quê hương của loại hình nghệ thuật dân gian đờn ca tài tử (ĐCTT) là vùng sông nước Tây Nam bộ. Còn Bình Định là chiếc nôi của tuồng, bài chòi. Tuy vậy, có một điều khá thú vị là ở xứ Nẫu này lại có nhiều người mộ ĐCTT, họ tự lập nên nhóm để sinh hoạt, giao lưu, nuôi dưỡng sở thích nghệ thuật. Họ ước mong mang cái hay cái đẹp của ĐCTT đến với nhiều người dân Bình Định.
Người xứ Nẫu mê ĐCTT
Ở xã Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn) có một nhóm ĐCTT 20 người sinh hoạt thường xuyên từ năm 2008 đến nay. Thành viên của nhóm, có người ở Nhơn Hậu như các cặp vợ chồng: Lê Văn Bốn - Phạm Thị Hiền (thôn Thạnh Danh), Nguyễn Văn Ngà - Nguyễn Thị Hoa, Thanh Tuấn - Bích Liên (thôn Nhạn Tháp), Văn Ty - Mỹ Lệ (thôn Nam Tân); số khác ở các địa phương lân cận như: Trần Cẩm Nhung, Nguyễn Ngọc Biểu (phường Đập Đá), Nguyễn Thị Ánh Hồng (phường Nhơn Hưng), Võ Đình Chiến (phường Nhơn Thành)… “Hầu hết thành viên của nhóm đều là diễn viên, nhạc công của đoàn cải lương Nhơn Hậu ngày trước. Sau khi đoàn giải thể (năm 1985), mỗi người bận bịu với chuyện gia đình, miếng cơm manh áo, nay đã ở vào tuổi trung niên, chuyện nhà cũng nhẹ gánh lo, anh chị em hồi tưởng, nhớ nhung một thời đờn ca sáo thổi nên gọi nhau tụ họp, sinh hoạt văn nghệ trở lại”, ông Lê Văn Bốn cho biết.
Tại một buổi ĐCTT “nội bộ tại gia” của “nhóm Nhơn Hậu” tại nhà vợ chồng Bốn - Hiền, không gian rộn ràng, thánh thót tiếng nhạc lời ca, khuôn mặt từng người ánh lên sự say mê háo hức, tươi tắn trẻ trung. “Kép” Lê Văn Bốn cất giọng mùi mẫn: Chiêu Quân ơi, nàng đừng dạo nữa cung đàn sầu ly biệt khi khói lam chiều phủ kín nhạn môn quan… “Cặp đôi” Bốn - Hiền đang ca trích đoạn “Hớn đế biệt Chiêu Quân”. Thầy đờn Chiến đa năng, tay gảy ghi-ta phím lõm, chân nhịp song loan, như phiêu diêu cùng những giai điệu nghẹn ngào, nỉ non. Chiếc micro không có dịp nghỉ ngơi, tiếp sau trích đoạn của vợ chồng Bốn - Hiền, tới lượt thành viên Trần Cẩm Nhung. Chị da diết ca bản nhỏ 12 câu Phụng Hoàng, tiếng vỗ tay của những bạn bè chung mộ điệu vang lên giòn giã khi chị ca mùi những đoạn cao trào. Chị Nhung cho hay: “Từ khi quy tụ lại đến nay, ghiền quá nên gần như tuần nào nhóm cũng tổ chức sinh hoạt “nội bộ” tại nhà các thành viên. Ngoài ra, thỉnh thoảng, nhóm chủ động liên lạc mời giao lưu hoặc nhận lời mời giao lưu với các nhóm ĐCTT khác ở Tuy Phước, Quy Nhơn…”
Nói đến phong trào ĐCTT ở Tuy Phước, nhiều người nghĩ đến “điểm hẹn” Vầng Trăng của vợ chồng ông Lê Ngọc Vinh (tên thường gọi là Năm Bản) ở thôn Quảng Nghiệp, xã Phước Hưng. Mê dòng nhạc cổ truyền đặc sắc đất phương Nam, từ khi nhà mở quán cà-phê ca nhạc (từ tháng 7.2012), ông bà Năm Bản dành hẳn chương trình mỗi tối Chủ nhật cho ĐCTT. Duy trì đều đặn từ đó đến nay. Từ hạt nhân nòng cốt là đôi vợ chồng mê ĐCTT này, nhóm Vầng Trăng - Phước Hưng có thêm nhiều người cùng sở thích tham gia sinh hoạt, như : Chín Lương, Lệ Quyền, Thanh Tâm, Quốc Hương, Minh Thơ… Hiện nhóm đã phát triển lên được đến 15 thành viên. Có “sân khấu” Vầng Trăng, một sân chơi văn nghệ quần chúng mang phong cách ĐCTT, dàn đờn, dàn ca với lịch phục vụ định kỳ, những người mê ĐCTT trong tỉnh mà chiếm phần lớn là người ở An Nhơn và Tuy Phước, có một chỗ ấm cúng để gặp gỡ, thể hiện đam mê nghệ thuật của mình.
Mở hướng cho ĐCTT
Được biết, tại nhiều địa phương trong tỉnh, hiện có rất nhiều nhóm ĐCTT đã ra đời tự phát và tổ chức, duy trì sinh hoạt loại hình văn nghệ này. Có thể kể thêm nhiều nhóm ĐCTT khác như: nhóm các thành viên Mai, Thủy… ở xã Nhơn Hạnh; Thành, Lễ… ở xã Nhơn Mỹ; Huỳnh Tâm, Châu - Nga… ở P. Nhơn Thành (thị xã An Nhơn); nhóm Hai Thoại, Hai Hữu… ở Phước Hiệp; nhóm Bảy Khải, Hai Long, Dũng… ở xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước); nhóm Huỳnh Văn Ba, Quốc Dũng, Trọng Hữu… ở huyện Tây Sơn; nhóm Ngọc Hương, Mỹ Cảnh, Bảy Điểu… ở Phú Tài (Quy Nhơn)… Người mê ĐCTT tự học bằng nhiều cách: qua băng - đĩa, mạng, từ người đã biết chỉ dẫn người chưa biết…, tự góp tiền sắm nhạc cụ để đờn để ca. Họ chủ yếu sinh hoạt độc lập, nội bộ từng nhóm nhỏ và khi có dịp đều tận dụng để mở rộng sinh hoạt, giao lưu với những nhóm khác. Đặc biệt, đội ngũ này giữ vai trò khá quan trọng trong phong trào văn nghệ quần chúng ở mỗi địa phương, tham gia đắc lực vào hoạt động văn hóa văn nghệ ở cơ sở.
ĐCTT trên đất Bình Định được hình thành theo cách riêng và hứa hẹn sức sống nếu được khơi gợi tiềm năng, phát triển phong trào. NSƯT Văn Vỹ (nguyên diễn viên Nhà hát tuồng Đào Tấn), “đầu tàu” của một nhóm ĐCTT ra đời sớm và hoạt động khá bài bản, chuyên sâu ở Quy Nhơn, phân tích: “ĐCTT ở Bình Định không phải theo chân những người dân phương Nam nhập cư mà do chính người Bình Định hình thành nên. Trong đó có một bộ phận không nhỏ là dân cải lương nghiệp dư thời trước và sau giải phóng, đến giờ vẫn còn giữ được ít nhiều bài bản nghệ thuật cải lương, đờn ca cổ; cộng với số nhạc công (nhạc cụ cổ truyền) không chuyên, người có năng khiếu hát ĐCTT. Có được tiềm năng lớn về con người song khó khăn về địa điểm sinh hoạt, lúng túng về cách thức sinh hoạt để từ đó nâng cao vốn hiểu biết về lý thuyết cũng như thực hành biểu diễn ĐCTT, đặc biệt là thiếu sân chơi nên phong trào còn khá lặng lẽ”.
Có thể thấy, những người Bình Định yêu ĐCTT rất mong mỏi được chia sẻ sở thích, tình yêu với dòng nhạc cổ truyền này ra với mọi người. Họ luôn mơ về những sân chơi dành cho ĐCTT, để họ có cơ hội được trình diễn và tạo ra sự lan tỏa đồng điệu với công chúng, nhân dân địa phương. Tại Hội chợ Văn hóa, Du lịch và Ẩm thực Bình Định năm 2014 - một hoạt động nhằm kích cầu du lịch thông qua việc giới thiệu những di sản văn hóa đặc sắc của địa phương diễn ra tại Quy Nhơn vào dịp 30.4, 1.5 - cùng với võ cổ truyền, hội đánh bài chòi cổ dân gian, đờn ca tài tử cũng xuất hiện. Người đi dự Hội chợ đã rất ngạc nhiên, thích thú vì “ở Bình Định cũng có ĐCTT sao?”! Đến giờ, các thành viên nhóm “liên quân” Nhơn Hậu - Phước Hưng, những người may mắn được mời mang ĐCTT đến Hội chợ, vẫn còn “sướng rơn” khi nhắc lại dịp ra mắt hiếm có ấy.
Nhu cầu được sinh hoạt ĐCTT, phát triển một bộ môn nghệ thuật mới của người dân trên quê hương mình là rất chính đáng, cần sự quan tâm của chính quyền địa phương và ngành văn hóa.
SAO LY