Gắn kết bảo tàng với phát triển du lịch
Bình Ðịnh là vùng đất trầm tích nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đa dạng, phong phú. Những năm qua, công tác bảo tồn, bảo tàng được tỉnh quan tâm nhằm đưa miền đất Võ, trời Văn trở thành điểm đến gắn kết bảo tàng, các di tích với hoạt động du lịch.
Bảo tàng tỉnh là điểm tham quan du lịch, giáo dục truyền thống, góp phần bảo tồn di sản văn hóa. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Hằng năm, Bảo tàng tỉnh chỉnh trang, nâng cấp các khu trưng bày, sưu tầm bổ sung thêm hiện vật để làm mới mình, phục vụ công chúng; đặc biệt, chú trọng quản lý kho hiện vật, sắp xếp khoa học, đồng bộ để đảm bảo an toàn cho hiện vật. Ngoài hoạt động trưng bày hiện vật giới thiệu phục vụ khách tới tham quan, học tập, nghiên cứu, Bảo tàng tỉnh thường xuyên tham gia hoạt động triển lãm giới thiệu văn hóa, lịch sử Bình Định, tổ chức cho học sinh tìm hiểu lịch sử qua việc tham quan Bảo tàng, nhằm đưa Bảo tàng tỉnh trở thành một điểm tham quan du lịch, giáo dục truyền thống, góp phần bảo tồn di sản văn hóa.
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Năm nay, Bảo tàng sẽ chủ trì phối hợp Sở Du lịch tổ chức tọa đàm với sự góp mặt của các chuyên gia để bàn giải pháp gắn kết Bảo tàng tỉnh với phát triển du lịch. Muốn bảo tàng phát huy hiệu quả trong phục vụ du lịch, cần có mối liên kết giữa hai ngành trong việc thiết kế các tour du lịch đến bảo tàng và các di tích để du khách tham quan tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Bình Định với những nét đặc trưng riêng có, dưới sự hướng dẫn của thuyết minh viên bảo tàng cùng với hướng dẫn viên du lịch kết hợp.
Bình Định hiện có 2 bảo tàng do Sở VH&TT quản lý, gồm: Bảo tàng tỉnh thành lập từ năm 1980 và Bảo tàng Quang Trung thành lập từ năm 1977. Đến nay, Bảo tàng tỉnh lưu giữ hơn 15.000 hiện vật liên quan đến văn hóa, lịch sử Bình Định; Bảo tàng Quang Trung lưu giữ hơn 11.600 hiện vật, thư tịch Hán Nôm, binh khí, tiền đồng… liên quan đến triều đại Tây Sơn.
Bảo tàng Quang Trung không chỉ là bảo tàng chuyên đề lưu giữ những hiện vật mang giá trị lịch sử, văn hóa thời Tây Sơn, đặc biệt là về Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ mà ở đây còn có Đền thờ Tây Sơn tam kiệt - một điểm về nguồn của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Qua nhiều lần trùng tu, nâng cấp, mở rộng khuôn viên, chỉnh trang cảnh quan, Bảo tàng Quang Trung khoác trên mình “chiếc áo mới” với sự bài trí hài hòa tổng thể Đền thờ Tây Sơn tam kiệt, tượng đài Hoàng đế Quang Trung, nhà biểu diễn nhạc võ Tây Sơn, nhà rông văn hóa các dân tộc Tây Nguyên để phục vụ du lịch. Riêng khu trưng bày của Bảo tàng Quang Trung với diện tích mở rộng gần 3.000 m2 có hệ thống ánh sáng, mã QR tra cứu thông tin hiện vật, phòng chiếu phim 3D…
Theo ông Châu Kinh Tú, công trình Đền thờ Tây Sơn tam kiệt thuộc dự án mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung với các hạng mục xây dựng, nâng cấp ba gian nhà tiền tế, nhà tiền bái, nhà thượng điện, đưa vào hoạt động trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã góp phần thu hút khách đến bảo tàng đông hơn. Để nâng cao chất lượng phục vụ du khách, đơn vị từng bước chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc số hóa hiện vật nhằm tăng sức hấp dẫn với công chúng khi đến Bảo tàng.
Du khách tham quan Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Thực tế cho thấy, hoạt động bảo tồn, bảo tàng được quan tâm đã góp phần làm cho du khách biết đến Bình Định không chỉ là điểm đến du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh mà còn là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử hấp dẫn.
Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT cho biết: Tỉnh ta rất quan tâm đầu tư cho Bảo tàng Quang Trung, Bảo tàng tỉnh nhằm phát huy hơn nữa việc gắn kết bảo tàng làm điểm đến du lịch, quảng bá văn hóa, lịch sử của địa phương. Sở cũng chỉ đạo các bảo tàng tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động trưng bày, nhân lực phục vụ để thu hút khách tham quan; đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030 để bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN