Nan giải việc thu hồi nợ “tàu 67”
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Định, thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ, nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã ký hợp đồng tín dụng với 62 ngư dân đóng mới 48 tàu vỏ thép, 6 tàu vỏ gỗ và 8 tàu gỗ composite (thường gọi là “tàu 67”), với tổng số tiền cho vay 921 tỷ đồng, dư nợ đến ngày 31.12.2021 là 849 tỷ đồng. Tuy vậy, quá trình khai thác, tàu của nhiều ngư dân bị hư hỏng phải sửa chữa dài ngày, không hoạt động đánh bắt được nên không có thu nhập; nhiều trường hợp gặp rủi ro trên biển, tàu bị chìm, ngư dân trắng tay, không có khả năng trả nợ vay. Ngoài ra, một số trường hợp sản xuất đạt hiệu quả tốt nhưng chủ tàu cá lại chây ì không chịu trả nợ. Tình trạng nói trên kéo dài đã phát sinh nợ quá hạn với số tiền lớn. Hiện có 57 khách hàng phát sinh nợ quá hạn với số tiền 429 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 214 tỷ đồng, lãi vay 215 tỷ đồng, việc thu hồi nợ vay từ ngư dân gặp rất nhiều khó khăn.
Tàu cá vỏ thép bị hư hỏng nằm bờ trong thời gian dài là một trong những nguyên nhân khiến ngư dân không đảm bảo việc hoàn trả nợ vay ngân hàng đúng hạn. Ảnh: TIẾN SỸ
Đề cập đến việc thu hồi nợ vay đóng “tàu 67” từ ngư dân, ông Lê Bá Duy, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Phú Tài (BIDV Phú Tài) ngao ngán: “Cán bộ chúng tôi gặp ngư dân không biết bao nhiêu lần để làm việc. Thời gian đầu ngư dân còn hợp tác với ngân hàng, nhưng thời gian sau họ dây dưa trả nợ, có hộ tìm cách lẩn tránh. Hiện có 33 ngư dân đã phát sinh nợ quá hạn với BIDV Phú Tài hàng trăm tỷ đồng, làm gia tăng áp lực xử lý nợ quá hạn hàng năm của đơn vị. Cực chẳng đã chúng tôi mới đệ đơn khởi kiện ngư dân!”.
Thu hồi nợ và xử lý quá hạn “tàu 67” cũng đang là bài toán khó đối với Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Bình Định, Ngân hàng Công thương Việt Nam - Chi nhánh Bình Định, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Bình Định. Tháng 6.2020, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thu hồi nợ cho vay theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ và chỉ đạo Sở NN&PTNT, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố đôn đốc các chủ “tàu 67” hoàn trả nợ vay, hỗ trợ các ngân hàng thu hồi nợ, nhưng đến nay công tác này vẫn chưa có chuyển biến nào đáng kể. Các ngân hàng đã khởi kiện 15 chủ “tàu 67” ra tòa.
“Với tài sản là tàu cá, giá trị con tàu sẽ giảm xuống qua thời gian hoạt động, nhưng do nợ xấu phát sinh quá lớn và kéo dài nên buộc chúng tôi phải khởi kiện để phát mại tài sản thu hồi nợ. Tuy nhiên khi khởi kiện mà thi hành án tài sản thì ngân hàng lại gặp khó khăn trong việc quản lý tài sản và mất thêm nhiều chi phí để trả phí bến bãi tàu neo đậu. Đây là một trong những trở ngại khi ngân hàng khởi kiện và thi hành án đối với con “tàu 67” của ngư dân”, đại diện một ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho hay.
MINH HẰNG