Chăm con ngày hè
Học sinh mới nghỉ hè ít ngày mà nhiều cha mẹ đã than vãn mệt mỏi và lo lắng vì cuộc sống xáo trộn. Việc tìm chỗ gởi các con tạm vài ngày hay một tuần không khó, nhưng làm sao để các con có được mùa hè đúng nghĩa quả không dễ dàng.
Mới hơn 1 tuần con trẻ nghỉ hè, những bà mẹ có con tuổi mầm non không khỏi mệt mỏi. Gia đình có ông bà chăm sóc hộ hoặc tìm được chỗ gởi trẻ thì thuận tiện. Chị Hồng Phúc, ở 61/5 Bế Văn Đàn, TP Quy Nhơn tâm sự: “Tôi không có ông bà giúp, cũng chẳng thể đưa con đến cơ quan, cho nên đành để hai đứa ở nhà trông nhau. Bị nhốt ở trong nhà, chúng chẳng biết làm gì khác ngoài việc xem ti vi, chơi game trên máy tính. Còn hai vợ chồng ngồi ở cơ quan cứ nhấp nhổm, lát lát lại gọi điện thoại thăm chừng, vì sợ chúng nghịch ngợm không an toàn. Trưa về thì lật đật nấu cơm cho chúng. Chiều tối cũng vậy”. Nhiều phụ huynh cùng hoàn cảnh như chị Phúc cảm thấy quá mệt mỏi, căng thẳng khi chăm sóc, lo lắng cho con trong những ngày hè, chưa kể là còn bận rộn đưa rước con đi học các lớp kỹ năng, dạo biển, nhà sách, siêu thị... để con có được sân chơi hè đúng nghĩa.
Thoải mái và đỡ lo lắng hơn mọi người, chị Hà Thị Hồng, công nhân ở Công ty CP giày Bình Định, cứ tới kỳ nghỉ hè là gửi con về quê, một nửa thời gian ở quê nội và một nửa ở quê ngoại. “Anh chị của tôi cũng gởi con về ông bà ngoại nên anh em chúng cùng chơi, trông nhau. Ông bà có bận rộn hơn nhưng lại vui. Các cháu cũng rất thích vì có nhiều kỷ niệm thả diều, đá bóng với các bạn ở quê. Mỗi khi đón về, đứa nào cũng đòi ở thêm”.
Trăm nhà thì có trăm kế hoạch khác nhau để lo cho con ngày hè vừa chu đáo, an toàn lại không mất đi ý nghĩa. Nhờ lợi thế làm việc ở Trường ĐH Quy Nhơn, quen biết nhiều sinh viên, nên cách đây 1 tháng, chị Nguyễn Thị Phượng, ở KV 5, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn đã lo tìm các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có ý định làm thêm vào dịp hè, nhờ các em đến vừa giúp việc nhà, vừa chăm hai con nhỏ. Hàng ngày, sinh viên của chị giúp đưa đón hai đứa con lớp 6 và 3 của chị đi học kèm, học năng khiếu hè và nấu cơm, chăm sóc hai đứa. Hai con chị Phượng cũng đã lớn nên việc chăm sóc dễ dàng, chủ yếu lo ăn uống, đi học đúng giờ. Cuối tuần, anh chị đưa hai cháu về quê chơi, hoặc dã ngoại cùng bạn bè.
Một sự lựa chọn khác cho phụ huynh ngày hè là dịch vụ dạy học - chăm sóc trẻ theo hình thức bán trú, do một số giáo viên tiểu học mở tại nhà. Kiểu dịch vụ này ra đời xuất phát từ nhu cầu các phụ huynh là muốn con học cấp I vừa ôn tập kiến thức cũ, làm quen với các kiến thức mới, lại được trông nom, quản lý trong những ngày hè. Chị Phương Vy, ở KV 2, phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn, cho biết: “Hè đến, tôi gởi con trai lớn lớp 3 học bán trú cho cô giáo ở gần trường, đứa nhỏ học mầm non thì gởi ở nhà bà giữ trẻ trước đây. Vì thế, ngày hè nhưng cuộc sống của cả nhà tôi chẳng có gì thay đổi lắm. Chỉ thương là hai đứa cứ ganh tỵ với bạn bè suốt vì không được đi chơi. Vừa qua, tôi đăng ký cho con học các lớp kỹ năng của Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh”.
Điệp khúc khó khăn việc chăm sóc con ngày hè, làm sao cho con có được những ngày hè ý nghĩa như chúng ta ngày xưa… làm nhiều mẹ đau đầu. Trẻ sống ở vùng nông thôn thì đỡ bị cuồng chân hơn, vì được đi chơi thoải mái hơn, nhưng lại gặp phải nỗi lo khác, đó là sự mất an toàn, nhất là nguy cơ đuối nước.
Với tấm lòng yêu thương con vô bờ bến, mong rằng, tùy theo hoàn cảnh, khả năng, các mẹ sẽ “thiết kế” ngày hè cho con thật sự bổ ích và an toàn như tham gia khóa huấn luyện thể thao võ, bóng đá, bơi lội hoặc các khóa kỹ năng hè, chương trình học kỳ quân đội, hành trình khám phá… hoặc đi du lịch cùng gia đình.
HỒNG PHÚC