Nhớ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương
Đã từ lâu, tận trong tâm thức mỗi người dân đất Việt đã thấm sâu câu ca dao Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng Ba để nhắc nhở nhau về cội nguồn dân tộc. Tại Bình Định, cứ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều đơn vị, người dân lại tổ chức Giỗ Tổ. Hoạt động này vừa mang ý nghĩa tỏ lòng thành tri ân tổ tiên, vừa thắt chặt tình đoàn kết.
Hướng về cội nguồn
Mỗi dịp Giỗ Tổ, những người con của tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ đang sinh sống, công tác, học tập tại Bình Định lại bàn việc tổ chức gặp mặt nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10.3 âm lịch.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Ban liên lạc Hội đồng hương đất Tổ tại Bình Định, chia sẻ: “Trước đây, Vĩnh Phúc và Phú Thọ cùng thuộc tỉnh Vĩnh Phú. Cùng chung vùng đất Tổ, nên chúng tôi duy trì hoạt động của Hội đồng hương đất Tổ tại Bình Định để đồng hương hai tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ thêm gắn kết với nhau. Việc tổ chức họp mặt nhân dịp Giỗ Tổ hằng năm là dịp để chúng tôi ôn lại truyền thống về cội nguồn và cũng là để những người con đồng hương đất Tổ trao cho nhau tình cảm qua các hoạt động thiện nguyện được tổ chức nhân dịp này”.
Nghi thức mang lễ vật dâng lên các Vua Hùng tại Lễ rước kiệu về Đền Hùng, sáng 7.4. Nguồn: phutho.gov.vn
Thành lập đúng ngày Giỗ Tổ mùng 10.3 âm lịch năm Bính Tuất 2006, mỗi năm Công ty CP Cơ điện và xây lắp Hùng Vương (lô B1, Cụm công nghiệp Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) đều đặn tổ chức ngày Giỗ Tổ hằng năm tại trụ sở; đồng thời cử người của Công ty hành hương về đất Tổ. Ông Hồ Sĩ Đạo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Cơ điện và xây lắp Hùng Vương, bộc bạch: “Ngày Giỗ Tổ cũng là sinh nhật của Công ty được tổ chức hằng năm nhằm động viên tinh thần cán bộ, nhân viên, người lao động đoàn kết, thu đua lao động, đóng góp vào sự phát triển của đơn vị. Năm nay, chúng tôi tổ chức lễ giỗ tiết giảm hơn so với mọi năm, nhưng vẫn cử cán bộ về đất Tổ dâng hương, dâng lễ cúng Vua Hùng”.
Tự hào là ngôi trường mang tên Hùng Vương, cứ đến mùng 10.3 âm lịch hằng năm, thầy và trò Trường THPT Hùng Vương (TP Quy Nhơn) lại sắm sửa lễ vật để dâng cúng Vua Hùng tại Trường. Đây là dịp để giáo viên nhà trường giáo dục học sinh truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tự hào về nguồn cội mà gắng sức học tập tốt hơn.
Thầy Võ Kế Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương, cho biết: “Đã thành lệ, đến ngày giỗ Tổ, thầy và trò của Trường rất háo hức. Năm nay, do thầy, trò đều được tiêm vắc xin, lễ giỗ trúng ngày nghỉ nên chúng tôi cũng đang sắp xếp phương án tổ chức để học sinh có thể tham gia đầy đủ hơn. Tất nhiên công tác tổ chức phải chỉn chu, đảm bảo an toàn phòng dịch. Tùy theo tình hình, đến ngày tổ chức lễ giỗ, nếu thời tiết thuận lợi, dịch bệnh ổn, chúng tôi sẽ tổ chức xôm tụ hơn, còn nếu không đảm bảo thì sẽ dâng hương như mọi năm. Dù tổ chức theo hình thức nào, chúng tôi mong muốn các em học sinh ghi nhớ, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta”.
Du khách thập phương về dự Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2021. Nguồn: Báo Phú Thọ
Thắt chặt tình làng nghĩa xóm
Cứ đến ngày mùng 10.3 âm lịch, 30 hộ dân ở tổ 7A, 7B của KV 1, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn lại tụ họp tổ chức vọng cúng các vua Hùng và các bậc tiền hiền, hậu hiền. Để lễ giỗ diễn ra trang nghiêm, chu đáo thì tầm cuối tháng 2 âm lịch, các hộ dân trong khu vực này đã bàn việc giỗ, phân công phần việc cho từng người.
Anh Huỳnh Thanh Tùng, Phó ban tổ chức lễ Giỗ Tổ, tâm tình: “Đa phần các hộ dân ở đây trước kia ở phường Hải Cảng được tái định cư lên đây. Khi còn ở phường Hải Cảng, tôi từng bàn với một số người trong xóm tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhưng chưa thực hiện được. Mãi đến năm 2009, khi cả xóm lên đây tái định cư, chúng tôi mới tổ chức được và duy trì hoạt động này thường niên”.
Mỗi dịp Giỗ Tổ, Ban liên lạc Hội đồng hương đất Tổ tại Bình Định lại tổ chức gặp mặt để gắn kết thêm tình đồng hương. Ảnh: Ban liên lạc Hội đồng hương đất Tổ cung cấp
Là người có uy tín cao, ông Trình Vĩnh Hòa, được cả xóm tin tưởng giao trọng trách chánh tế Giỗ Tổ. Ông Hòa tâm sự: Được bà con tin cậy giao nhiêm vụ chánh tế, tôi rất vinh dự. Năm nào cũng vậy, trong 3 ngày từ mùng 7.3 âm lịch cho đến ngày mùng 10.3, tôi giữ tâm thanh tịnh và ăn chay. Ngày Giỗ Tổ, tôi mặc áo dài khăn đóng chỉnh tề thắp hương khấn cúng, đọc văn tế tại bàn lễ Giỗ Tổ, rồi cáo thành hoàng theo nghi lễ truyền thống, nguyện cầu cho bà con tổ 7A, 7B của KV 1 một năm sức khỏe, bình an, thành công…
Người dân tổ 7A, 7B của KV 1, phường Nhơn Bình tổ chức lễ Giỗ Tổ đúng vào ngày mùng 10.3 âm lịch để nhớ về tổ tiên, cội nguồn. Họ gắn kết tổ chức lễ giỗ tươm tất; qua đó giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống của cha ông, góp phần chung tay bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc. Ông Võ Văn Đức, Trưởng ban tổ chức lễ Giỗ Tổ, chia sẻ: “Để chuẩn bị các lễ vật cúng Vua Hùng và các vị thành hoàng, các hộ dân ở đây đóng góp tiền tùy theo điều kiện của mỗi nhà. Phụ nữ thì cùng nhau đi chợ mua đồ cúng, lo việc chuẩn bị mâm cỗ. Còn cánh đàn ông thì lo khâu dựng rạp, bài trí bàn ghế, thiết lễ. Phẩm vật sửa soạn xong, phần nghi lễ được tổ chức rất trang nghiêm để cúng Vua Hùng vào sáng mùng 10.3. Trong lễ cúng ngoài văn tế, chúng tôi đọc bài ôn lại truyền thống dựng nước, giữ nước của 18 đời Vua Hùng để giáo dục con cháu biết về nguồn cội mà tự hào với cha ông đã có công dựng xây đất nước. Sau giỗ chúng tôi cùng nhau liên hoan vui vẻ, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN