Trách nhiệm và cống hiến
Có tinh thần trách nhiệm cao, sống nhân ái vì cộng đồng và không ngừng sáng tạo, những người trẻ đã lan tỏa tinh thần, khát vọng cống hiến. Báo Bình Định giới thiệu 10 gương mặt trẻ tiêu biểu vừa được Tỉnh đoàn tuyên dương.
Tình nguyện viết đơn xung phong chống dịch
Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh vào tháng 8.2021, Huỳnh Văn Quý (SN 2005, Bí thư Chi đoàn lớp 11A6, Trường THPT số 3 An Nhơn) đã viết đơn xung phong tham gia tuyến đầu chống dịch với nhiệm vụ hỗ trợ thực hiện test nhanh, nhập số liệu, đo thân nhiệt…
Quý bộc bạch: “Là một đoàn viên, em thấy mình phải có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Những ngày tham gia với lực lượng tuyến đầu chính là kỷ niệm không thể nào quên, vì em được đóng góp một phần sức trẻ giúp mọi người vượt qua đại dịch”.
Bên cạnh đó, Quý còn là một đoàn viên rất năng nổ, có mặt trong nhiều hoạt động của Đoàn phường Nhơn Hòa như: Tham gia đội hình loa phát thanh thanh niên; đưa nhu yếu phẩm vào khu vực cách ly, hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tham gia đi chợ giúp dân; trực chốt vùng xanh… Ở bất cứ nhiệm vụ nào, Quý đều xung phong đi đầu, không nề hà hiểm nguy .
Trong học tập, Quý là học sinh luôn gương mẫu, học tập tốt; được Thị đoàn và Sở GD&ĐT khen thưởng vì đạt nhiều thành tích trong học tập và tham gia phong trào.
Bí thư Chi đoàn học giỏi, năng nổ
Học giỏi, năng động và luôn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên do nhà trường và Đoàn trường phát động - đó là Đinh Thị Yến Như (SN 2004, dân tộc Bana), Bí thư Chi đoàn lớp 12A2, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh.
Trong nhiều năm học, Như luôn được giáo viên tin tưởng giao trọng trách lớp phó học tập. Là “thủ lĩnh” công tác Đoàn, Như luôn gương mẫu thực hiện tốt các nội quy của nhà trường, lễ phép với thầy cô, thường xuyên hướng dẫn và động viên các bạn trong lớp nỗ lực học tập và rèn luyện...
Như còn tích cực vận động các bạn cùng lớp tham gia các hoạt động như chiến dịch Hoa phượng đỏ, quyên góp giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Mặt khác, em còn tích cực tham gia và đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi như đạt giải Tư trong cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, đạt giải Khuyến khích môn Lịch sử tại cuộc thi Học sinh giỏi cấp tỉnh…
Đối với Như, mỗi hoạt động là một trải nghiệm, mang lại cho em nhiều bài học mới. “Khi tham gia vào công tác Đoàn, điều em học được là kỹ năng giao tiếp, tự tin, rèn luyện khả năng làm thủ lĩnh. Em luôn cố gắng hoàn thiện bản thân, gương mẫu đi đầu trong các phong trào và khơi dậy tinh thần đoàn kết, để tập thể lớp ngày càng gắn kết hơn”, Như bày tỏ.
“Đầu tàu” đoàn kết, tập hợp thanh niên
Biết lắng nghe, chia sẻ, có cách làm thiết thực, hiệu quả trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên là nhận xét của ĐVTN Đoàn phường Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn) dành cho Bí thư Nguyễn Thành Long (SN 1991).
Tham gia công tác Đoàn từ năm 2013, cũng từ đây, anh bắt đầu hành trình là người truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho các hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tại địa phương. Năm 2017, anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn phường.
Để tập hợp, thu hút được thanh niên tham gia các hoạt động, anh và Ban Chấp hành Đoàn phường đã phát động nhiều phong trào văn nghệ, TDTT, nhất là các phong trào tình nguyện, ra quân bóc gỡ, xóa quảng cáo, rao vặt trái phép; xây dựng tuyến đường văn minh, xanh - sạch - đẹp; vẽ bích họa tuyên truyền…
Đặc biệt, trong phòng chống dịch năm 2021, anh Long và Đoàn phường đã tổ chức các đội hình tình nguyện tham gia trực chốt tại QL 1D, đi chợ giúp dân, mô hình tiếng loa thanh niên, hỗ trợ y, bác sĩ tiêm vắc xin…
“Trong công tác Đoàn, việc gì dễ, nhanh thì làm trước, việc khó, cần nhiều thời gian thì làm dần dần, nhưng phải đúng thời gian. Là thủ lĩnh đoàn, tôi luôn gương mẫu, nhiệt tình với các phong trào, các phần việc, khi đó các ĐVTN mới tích cực làm theo”, anh Long tâm sự.
Vượt khó khởi nghiệp thành công
Với gần 3 năm theo đuổi nghề trồng nấm, đến nay mô hình trang trại trồng nấm bào ngư xám của anh Trần Quang Tiến (SN 1997, ở thôn An Giang Đông, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) đã có chỗ đứng ổn định trên thị trường.
Cũng như những thanh niên khác, việc khởi nghiệp của anh gặp nhiều khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thời gian đầu trồng theo phương pháp truyền thống nên phôi bị hư hỏng nhiều. Để có thêm kinh nghiệm, anh đã tìm hiểu qua sách báo cách chăm sóc nấm, vì vậy tỷ lệ nấm hao hụt ngày càng giảm và cho những “quả ngọt” đầu tiên.
Bên cạnh đó, nhận thấy chi phí mua phôi nấm cao và chất lượng không ổn định, với những kiến thức đã học, anh quyết định xây dựng mô hình làm phôi giống và xem đây là hướng đi mới. Đam mê KHKT, anh còn tự mình nghiên cứu và hoàn thiện lò hấp phôi nấm.
Năm 2020, để đảm bảo ổn định đầu ra, anh Tiến quyết định mở rộng mô hình trồng nấm lên diện tích hơn 2 ha, tự thiết kế khu vực làm phôi nấm riêng, xây dựng thêm trại mới để có thể thu hoạch quanh năm. Nhờ vậy, lợi nhuận hằng năm đạt hơn 150 triệu đồng.
Anh Tiến còn được Huyện đoàn Phù Mỹ hỗ trợ thành lập HTX nông nghiệp hữu cơ Agribio, với sản phẩm chủ lực là nấm Hoàng đế và kinh doanh những mặt hàng nông nghiệp khác. Từ đó, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Chiến sĩ an ninh vì nhân dân phục vụ
Thượng úy Nguyễn Xuân Cảnh (SN 1992), hiện đang công tác tại Phòng Tham mưu, CA tỉnh. Năm 2015, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH An ninh nhân dân, được phân công tác tại Đội Tham mưu tổng hợp, anh tích cực nghiên cứu, không ngừng trau dồi kiến thức, năng lực chuyên môn và đề xuất những biện pháp đảm bảo ANTT.
Ngay từ đầu năm 2021, thượng úy Cảnh đã trực tiếp tham mưu đăng ký chỉ tiêu công tác của CA tỉnh với Bộ CA, phân bổ giao 100 nội dung chỉ tiêu cụ thể cho CA từng đơn vị, địa phương. Phối hợp tham mưu Giám đốc CA tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm vi phạm pháp luật về hình sự, kinh tế, môi trường; xây dựng báo cáo tổng kết, thống kê kịp thời, chính xác, đúng quy định.
Trong công tác Đoàn, thượng úy Cảnh luôn nêu cao tinh thần xung kích trong việc đẩy mạnh thực hiện phong trào “Thanh niên CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy - Xung kích, sáng tạo, tình nguyện, lập công vì Tổ quốc”, gắn kết chặt chẽ với các phong trào tuổi trẻ sáng tạo, thanh niên tình nguyện… Anh đã tham mưu Ban Chấp hành Chi đoàn xây dựng, duy trì 2 công trình thanh niên.
Bác sĩ quân hàm xanh tận tâm với nghề
Thượng úy Hoàng Văn Đức (SN 1993, Trợ lý Quân y kiêm Tổ trưởng Tổ Quân y có giường lưu thuộc Phòng Hậu cần, BĐBP tỉnh) là bác sĩ trẻ luôn năng nổ và tận tâm với nghề.
Trong thời gian bùng phát dịch Covid-19, anh Đức đã chủ động tham mưu, đề xuất với chỉ huy đơn vị các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả không để lây lan trong đơn vị. Bên cạnh đó, anh còn trực tiếp tham gia thực hiện truy vết, cách ly, xét nghiệm cho cán bộ, chiến sĩ được hơn 3.000 lượt; chủ động liên hệ, tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các quân nhân đảm bảo an toàn 100%…
Ngoài ra, bác sĩ Đức còn tích cực đi đến những vùng khó khăn, khu vực biên giới biển, đảo để khám, chữa bệnh cho nhân dân. Nhiều bà con ở những khu vực này đã rất quen thuộc với hình ảnh người bác sĩ mang quân hàm xanh thường xuyên đến tận nhà thăm hỏi, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, cấp thuốc cho những người lớn tuổi, già yếu, gia đình chính sách.
Người thầy đam mê nghiên cứu khoa học
Ở độ tuổi 34, thầy Nguyễn Duy Thông (giảng viên bộ môn Điện tử - Viễn Thông, khoa Kỹ thuật và Công nghệ của Trường ĐH Quy Nhơn) là một trong những tiến sĩ trẻ của Trường, từng là nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Kookmin (Hàn Quốc).
Trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học, thầy Thông đã sở hữu 1 bằng sáng chế tại Hàn Quốc, 4 sáng kiến hữu ích, đăng 21 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín. Các công trình nghiên cứu tập trung vào lĩnh vực điện tử, các công nghệ về truyền thông, xây dựng các ứng dụng v ề IoT…
Các sáng kiến của thầy Thông đều được đánh giá cao về ứng dụng thực tiễn, mang lại hiệu quả cao, nổi bật phải kể đến ý tưởng “Hệ thống truyền thông không dây sử dụng ánh sáng nhìn thấy (OCC)”.
Chia sẻ về ý tưởng nghiên cứu, thầy Thông bộc bạch: “Sau khi về Việt Nam, tôi có hợp tác với các bạn cùng nghiên cứu tại Hàn Quốc thành lập một tổ chức khởi nghiệp liên quan tới lĩnh vực công nghệ truyền thông sử dụng ánh sáng khả kiến và đăng ký các sáng chế. Công nghệ này cho phép truyền tín hiệu bằng cách sử dụng ánh sáng nhìn thấy phát ra từ bóng đèn led, góp phần giảm tải cho các công nghệ sóng vô tuyến truyền thống và đưa công nghệ xanh vào cuộc sống, tiết kiệm năng lượng”.
Bác sĩ trẻ nhiệt huyết, đam mê làm tình nguyện
Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Y dược Huế, năm 2018, bác sĩ Lê Ngọc Thường về công tác tại Khoa Vật lý trị liệu (Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh). Để hoàn thành công việc được giao, anh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, trau dồi kiến thức và học hỏi từ các đồng nghiệp, nhờ đó kỹ năng chuyên môn ngày càng được nâng cao. Lòng đam mê, nhiệt huyết với nghề đã gắn kết bác sĩ với người bệnh, nhiều ca bệnh khó, nguy cấp đã được anh chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bác sĩ Thường đã xung phong, tình nguyện điều trị các bệnh nhân F0, lấy mẫu bệnh phẩm người bệnh tại bệnh viện dã chiến; xây dựng và phát triển mạng lưới “Hỗ trợ điều trị F1, F0 tại nhà” với hơn 30 nhân viên y tế tham gia hỗ trợ cho hơn 1.000 người. Điều phối mô hình chuyến xe “Nghĩa tình Bình Định”, hỗ trợ hơn 20 tấn rau, củ, lương thực cho bà con khu phong tỏa; vận động nhu yếu phẩm, suất ăn tiếp sức cho nhân viên lực lượng tuy ến đầu, trị giá gần 100 triệu đồng…
Bác sĩ Thường còn là Chủ nhiệm CLB 25, Phó Chủ nhiệm CLB Nhóm máu hiếm Bình Định. Anh và các thành viên đã tổ chức nhiều chương trình hiến máu được đánh giá cao, kịp thời cứu sống những bệnh nhân đang điều trị cần máu.
Hết mình vì màu cờ sắc áo
Ngay từ nhỏ, Hồ Tấn Tài (SN 1997, quê ở xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân) đã có niềm đam mê với trái bóng tròn, thường tham gia các giải bóng đá nhi đồng cấp trường và cấp huyện. Năm 11 tuổi, Tài gia nhập Trường Năng khiếu thể thao Bình Định, tập bóng đá chuy ên nghiệp.
Giai đoạn 2014 - 2017 là quãng thời gian khủng hoảng với đội bóng đất Võ khi thiếu hụt ngân sách. Đến năm 2018, Tấn Tài được đội bóng Bình Định cho Becamex Bình Dương mượn. Sau khi Bình Định trở lại V-League ở mùa giải 2021, Tấn Tài đã gia nhập đội bóng Topenland Bình Định.
Ở mùa giải V-League 2021, chơi với vị trí hậu vệ phải nhưng Tấn Tài đã vượt xa nhiều chân sút nội khi có những bàn thắng quan trọng cho đội nhà. Với những gì đã thể hiện, Hồ Tấn Tài được HLV Park Hang Seo thường xuyên triệu tập lên đội tuyển quốc gia, ngày càng thể hiện được vai trò ở đội tuyển tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022.
Biên đạo múa đắm đuối với nghệ thuật truyền thống
Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội, Đỗ Thị Kim Tiển (SN 1986) có thời gian là diễn viên Đoàn ca múa nhạc tỉnh Quảng Ngãi. Đến năm 2013, chị được tuyển vào Đoàn Ca kịch Bài chòi tỉnh (nay là Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh). Tại đây, chị bắt đầu phát huy sở trường, vừa là diễn viên múa và biên đạo các tiết mục, bài múa độc lập.
Chị Tiển tâm sự: “Ban đầu, tôi phải tự học, trau dồi kiến thức về những loại hình như bài chòi, tuồng... Từ đó có thể biên đạo được những tiết mục hay, đặc sắc, góp phần quảng bá nghệ thuật truyền thống Việt Nam đến bạn bè trong và ngoài nước”.
Bên cạnh đó, chị Tiển còn tham gia dàn dựng các chương trình nghệ thuật lớn của tỉnh. Các tiết mục do chị dàn dựng đều đạt chất lượng chuyên môn cao, phù hợp với khung cảnh của các vở diễn cũng như các sự kiện, mang lại giá trị thẩm mỹ, cảm xúc cho công chúng.
Trong những năm tháng làm nghề, chị Tiển vinh dự nhận được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi, liên hoan cấp quốc gia.
CHƯƠNG HIẾU