Hồn hậu làng chài xứ Nẫu
Từ tháng 3 - 5 là mùa thích hợp để du khách về xứ Nẫu rong chơi tại các làng chài. Không chỉ có cảnh đẹp, những làng chài như Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn), Nhơn Lý, Nhơn Hải, Quy Hòa (TP Quy Nhơn)… còn chứa đựng nhiều nét văn hóa, lịch sử để du khách khám phá.
Cách TP Quy Nhơn không xa, làng chài Quy Hòa mang nét đẹp yên bình, tĩnh lặng bên những hàng dừa xanh, hàng dương liễu nép mình bên chân sóng. Đến đây, du khách chỉ cần tản bộ dạo quanh bờ cát vàng mịn, nghe biển ru, gió hát giữa nhịp sống thanh bình của làng chài bé nhỏ cũng thấy lòng mình hòa nhịp với những cung bậc cảm xúc giữa thiên nhiên tươi đẹp.
Làng chài Quy Hòa mang nét đẹp bình yên. Ảnh: KHỔNG XUÂN HIỀN
Phía bên kia dãy núi Phương Mai là làng chài Nhơn Lý, Nhơn Hải mang những nét riêng vốn có. Du khách chỉ cần dạo quanh bãi biển của làng chài Nhơn Lý, Nhơn Hải cũng cảm nhận nhiều điều thú vị khi được trò chuyện cùng ngư dân bên chiếc thuyền thúng chuẩn bị ra khơi, hay nhìn cảnh trẻ em nô đùa bên bãi biển lúc chiều về, để thấy cuộc sống làng biển dung dị, người dân biển xứ Nẫu thân thiện, hiếu khách. Mùa này, sắc xanh mướt của rong biển đã bắt đầu phủ lên các gành đá nơi đây như muốn níu chân du khách tìm đến check-in.
Dọc theo đường ven biển ĐT 639, những làng chài khác của huyện Phù Cát, như Trung Lương (thị trấn Cát Tiến), Vĩnh Hội (xã Cát Hải), Đề Gi (xã Cát Khánh) mang vẻ đẹp sơn thủy hữu tình sẽ lần lượt hiện ra.
Đứng trên đèo Trung Lương nhìn về phía Khu kinh tế Nhơn Hội, thu vào tầm mắt toàn cảnh làng chài Trung Lương tuyệt đẹp. Phía xa có những cánh quạt gió khổng lồ chầm chậm quay, bãi biển cát vàng kéo dài chen lẫn màu xanh của những hàng dương liễu; trên dãy Núi Bà có tượng Phật Thích Ca Mâu Ni niết bàn, ngôi chùa Linh Phong mang nét đẹp tôn nghiêm. Rời Trung Lương là đến làng chài Vĩnh Hội với bãi biển mang hình cánh cung, hai đầu gành đá với những gộp đá đẹp xếp chồng lên nhau dưới chân sóng. Từ Vĩnh Hội di chuyển tiếp sẽ tới bãi biển Đề Gi, ngoài vẻ đẹp của biển, nơi đây còn có những món ẩm thực hải sản tươi ngon của vùng Đề Gi - nơi giao thoa giữa biển và đầm.
Điểm cuối hành trình trong chuyến rong chơi về những làng chài ở Bình Định là điểm dừng chân ở hai làng chài ở TX Hoài Nhơn là Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ) và Diêu Quang (xã Hoài Hải).
Từ trên đèo Lộ Diêu nhìn xuống, làng chài Lộ Diêu được bao quanh bởi cây xanh và sóng biển vỗ bờ; triền núi kéo dài ra sát mé biển tạo nên rất nhiều khối đá mang hình thù độc đáo, màu sắc của đá hòa quyện với cát vàng, biển xanh quyến rũ đến lạ.
Làng chài Lộ Diêu không những làm du khách say đắm bởi vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng, mà Lộ Diêu còn là nơi cập bến của những “con tàu không số” huyền thoại chuyên chở vũ khí, lực lượng từ miền Bắc chi viện vào miền Nam, góp phần to lớn vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lộ Diêu đã đi vào lịch sử như một điểm son của “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Gành đá Lộ Diêu không những đẹp, mà còn là di tích nơi cập bến của những “con tàu không số” huyền thoại. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tiếp giáp với gành đá Lộ Diêu ở phía bên kia núi về phía Bắc là gành đá Diêu Quang và Bãi Con của làng chài Diêu Quang với vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú. Gành đá Diêu Quang mang những hình thù, màu sắc kỳ lạ được tạo nên bởi sự bào mòn của sóng biển. Từ gành đá Diêu Quang, men theo những đường mòn dọc vắt qua nhiều sườn dốc chênh vênh trên núi du khách sẽ đến với Bãi Con - một bãi biển thơ mộng, đầy màu sắc, đẹp đến ngỡ ngàng.
Rong chơi làng chài xứ Nẫu, du khách sẽ cảm nhận những vẻ đẹp đan xen giữa không gian biển trời bao la ở mỗi thời điểm khác nhau.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN