Xoài tượng Bình Định: Phẩm vật tiến vua
“Cam Xã Đoài, xoài Bình Định”, tự xa xưa đã có câu tục ngữ này. Xoài là thứ trái cây quen thuộc, có ở nhiều địa phương. Vì vậy không ít người nghĩ rằng câu tục ngữ này lưu truyền hẹp trong dân gian Bình Định! Nhưng thật ra không hẳn vậy, vì lẽ mộc bản các sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục chính biên đều có ghi chép trang trọng về xoài Bình Định.
Xoài Bình Định có nhiều loại: Xoài thanh ca, xoài tượng, xoài tro, xoài sẻ, xoài mật... Mỗi loại đều có những hương vị độc đáo riêng. Nhưng thơm ngon nhất vẫn là xoài tượng. Dưới triều Nguyễn, xoài tượng Bình Định rất được các vua yêu thích, được chọn làm phẩm vật dâng tiến lên vua.
Vườn xoài trĩu quả của một hộ dân ở huyện Phù Cát đang chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: DOÃN CÔNG
So với quả xoài ở các vùng miền khác, thì xoài tượng Bình Định ngon hơn hẳn. Xoài tượng quả to, hình thuôn dài, vỏ xoài xanh tươi, chín thì chuyển màu vàng tươi tắn, hương thơm ngạt ngào. Khi cắt ra miếng, xoài vàng ươm, mọng nước, cơm xoài thơm dày. Dưới triều Nguyễn, xoài tượng Bình Định có tên riêng là “đại mông” - thứ quả to, vỏ xanh, thịt vàng, vị ngọt và ngon.
Xoài tượng được trồng nhiều nơi ở Bình Định, nhưng có thể do thổ nhưỡng nên xoài ở Phù Cát, Tuy Viễn, Tuy Phước ngon hơn một bậc. Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9 cũng ghi lại rằng: “Quả xoài: ngon nhất là xoài ở ba huyện Phù Cát, Tuy Viễn, Tuy Phước, có lệ cống”.
Ngay từ triều vua Gia Long, đã có lệ tiến cống xoài tượng Bình Định. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 44, mặt khắc 14 có ghi về lệ cống xoài tượng Bình Định vào năm Nhâm Thân (1812) như sau: “Định lệ Bắc Thành, Bình Định và Quảng Nam dâng tiến quả phẩm. (Bắc Thành hằng năm tiến cam ngọt 4.500 quả, vải 4.200 quả, để cúng các lễ Nguyên Đán và Tế hưởng xuân hạ đông; Quảng Nam hằng năm tiến 2.200 quả loòng boong; Bình Định hằng năm tiến 1.000 quả xoài lớn (xoài tượng) để cúng tiết Đoan Dương và các ngày kỵ)”.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 44, mặt khắc 14 ghi về việc tỉnh Bình Định lệ cống xoài tượng. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Đến triều vua Minh Mạng, lệ tiến kể trên không những tiếp tục được duy trì mà nhà vua còn có hướng dẫn chi tiết. Năm Minh Mạng thứ 5, vua xuống chỉ: Về hạt Bình Định, theo lệ trước, lấy để tiến về hai lễ Cơm mới và Đoan Dương, mỗi lễ 1.000 quả. Từ sau, mỗi lễ, cứ đến kỳ thì chọn lấy 500 quả xoài, do đường bộ đệ lệ, còn thì nên phái sức thuyền bè tải đi nộp tiếp, không phải do đường trạm, để thêm sự khó nhọc và phí tổn”.
Dâng tiến sản vật địa phương cho triều đình là niềm vinh hạnh nhưng cũng tốn không ít sức dân, thay vì vận chuyển xoài bằng đường bộ lên kinh đô, vua Minh Mạng đã hướng dẫn thực hiện chi tiết hơn, đồng thời cấp riêng cho tỉnh Bình Định một chiếc thuyền để chở xoài. Năm Tân Mão (1831), vua xuống chỉ: “Năm thứ 12, xuống chỉ: chuẩn cho về hạt Bình Định, từ sau phàm gặp tiết Đoan Dương, vẫn chiếu lệ chọn mua quả xoài, do đường bộ tải đi, cho kịp ngày, duy cung tiến về lễ cơm mới theo lệ mà làm cho tốt, vẫn phái nhân viên làm được việc ở thuộc tỉnh, nhận lĩnh đủ số, lấy một chiếc thuyền nhẹ thượng khẩn tải về kinh, đem nộp cho Bộ, để bớt sự đi đường khó nhọc và phí tổn. Chuẩn cho làm lệ vĩnh viễn”.
Dưới thời vua Thiệu Trị đều có lệ định về việc dâng xoài tượng Bình Định. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 120, mặt khắc 20 ghi như sau: “Thiệu Trị năm đầu, lệ định: Gặp tiết Vạn Thọ, tỉnh Bình Định kính dâng 600 quả xoài. Tự Đức năm đầu lệ định: gặp tiết Thánh Thọ, tỉnh Bình Định kính dâng 600 quả xoài. Lại sắc cho bộ tư xuống tỉnh Bình Định, từ sau như năm nào khí hậu hơi sớm, quả xoài đôi khi có chín sớm, chuẩn cho hạ tầng tháng 3, chọn lấy thứ quả tốt hay 200 quả đem đệ nộp trước, để kịp làm lễ hưởng mùa thu”.
+++
Như vậy có thể thấy không phải vô cớ mà quả xoài Bình Định lại vào hệ thống các văn bản pháp quy cao nhất trong triều Nguyễn như đã thấy. Trải qua thời gian hàng trăm năm, đến nay tục ngữ “Cam Xã Đoài, xoài Bình Định” vẫn đúng. Dù xoài tượng ngày nay được trồng khắp nơi trong cả nước, nhưng xoài trên mảnh đất Bình Định vẫn là ngon nhất. Đó là niềm vui, niềm vinh dự lớn cho địa phương có thổ sản như tỉnh Bình Định. Duy có điều, hình như ngay cả 3 địa phương sở hữu loại xoài tượng cực phẩm - Phù Cát, Tuy Viễn, Tuy Phước - vẫn bỏ quên lợi thế cực lớn của mình?
CAO THỊ QUANG