Viết từ đồng làng Phước An
Tản văn của NGUYỄN THỊ THANH
Tháng tư. Khi những cơn gió mùa hè quay vòng tròn, đánh đu lấy lũy tre già rì rào ca hát, ngọn tre cong trĩu đón gió vào lòng thì khi ấy lúa cũng bắt màu của nắng mà vàng tươi. Đồng làng Phước An quê tôi vào mùa gặt.
Đồng Phước An phì nhiêu mơn mởn. Đặc biệt tốt tươi hơn sau mỗi mùa lũ tràn về. Tôi nhận ra rằng cánh đồng dù rộng hay hẹp cũng mang trong mình hương vị của làng quê. Tháng Tư. Từng thảm lúa vàng óng nối nhau chạy tít tắp đến hút tầm mắt, tựa lưng vào dãy núi xa xa.
Rộng hay hẹp thì mùi đồng cũng gây nhớ thương nhiều vô kể. Mùi đất nồng ngai ngái khi cày vỡ, mùi bùn tanh tanh khi chuẩn bị gieo cấy. Mùi thơm man mác của đồng lúa đến thì con gái. Mùi lúa thanh tân đưa tôi về ký ức xa xăm. Một con chim chiền chiện giật mình bay vút lên cao đem theo tiếng hót trong ngần. Đâu đó trên vòm lá xoan xanh biếc tiếng con chim gì cứ kêu “hít hà chút chút chà chà” nghe vui tai đến lạ. Tiếng chim như kéo bầu trời lên cao hơn. Tiếng chim đánh thức muôn vàn cây lúa giật mình tỉnh giấc giơ bàn tay lá xanh vẫy chào ban mai. Tự nhiên tôi lại hình dung về cô thôn nữ, người con gái bước ra từ trong bài ca dao quen thuộc - Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát/ Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng bát ngát mênh mông/ Thân em như chẽn lúa đòng đòng/ Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai. Chỉ có thể nói là rất đẹp!
Tháng này, trên cánh đồng Phước An đã vào mùa gặt. Mỗi sáng tôi đều đi qua con đường với hai vạt lúa vàng ươm màu nắng đến trường. Hương lúa ùa vào chật căng lồng ngực. Tôi bất giác hít thở thật sâu như muốn tham lam mà gom hết hương vị đồng quê vào lòng.
Tranh của họa sĩ LÊ THƯỚC
Cánh đồng vàng ươm lúa chín. Màu vàng trù phú ấm no chạy suốt theo những vòng quay bánh xe. Cánh đồng ăm ắp hương lúa chín. Hương thơm lan vào trong gió, gió đem hương đi tận đâu đâu, len vào trong tim người. Bông lúa trĩu cong đang thầm thì với đất điều gì. Phải chăng lúa đang thầm cảm ơn đất vì đất đã nuôi dưỡng lúa bao ngày. Từ lúc là cây mạ non tơ đến khi trĩu cong vàng óng. Hương thơm căng đầy làm cong vòng bông lúa. Bông lúa cong cong như mời gọi liềm hái mùa gặt.
Bây giờ những người nông dân không còn phải cong mình gặt cả mảnh trăng cuối tháng về nhà phơi nữa. Thay vào đó là máy gặt đập liên hoàn. Người nông dân không còn vất vả như xưa nhưng sao tôi lại cứ thấy nhớ thương cây liềm của mẹ. Cây liềm của mẹ gặt về cho tôi những bữa cơm no, những sách vở, áo quần, ... Cây liềm của mẹ gặt về cho tôi cả một ký ức tuổi thơ với những buổi chờ mẹ đi gặt về. Trên vành nón của mẹ bao giờ cũng có quà của đồng quê.
Những ngày này mỗi khi đi qua cánh đồng, nghe hương lúa chín bay lên len vào khứu giác đánh thức miền ký ức trong tôi. Hương lúa gợi nhắc tôi những ngày xưa. Tôi nhớ hình ảnh bố mẹ tôi mỗi buổi đi làm về mồ hôi mẹ mồ hôi con thi nhau chảy ướt đầm vai áo. Mồ hôi đọng lại từng quyện loang trắng trên áo, chảy giọt trên gương mặt. Những giọt mồ hôi của bố mẹ tôi, của những người dân quê tôi đã đổ xuống những bờ xôi ruộng mật, những cằn cỗi bạc màu đổi lấy cho đàn con thơ dại miếng cơm manh áo. Những giọt mồ hôi thấm xuống cánh đồng, thấm vào những câu ca ngày nào tôi học, giờ tôi lại đang dạy lại cho học trò. Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày/ Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
Mưa trên ruộng cày nào phải từ trời rơi xuống. Mưa trên ruộng cày từ những giọt mồ hôi của những người nông dân nghìn đời lam lũ mà ra. Biết để mà thêm yêu quý, trân trọng những hạt ngọc của trời được chắt chiu từ sự nhẫn nại của thần Lúa và sự khó nhọc của người nông dân.
Sáng đi dạy còn vàng ươm sắc lúa chín. Chiều về ngang đã thấy thơm mùi rơm tươi. Cái mùi của đồng quê, mùi cần lao cứ bám lấy tay ga xe máy bắt tôi đi chậm lại mà hứng lấy hương rơm thơm. Bao nhiêu ký ức, bao nhiêu tâm tình lại bắt đầu nhen lên từ quấn quýt rơm rạ. Mặt trời gói hương thơm thả giấc mơ trên ngực cánh đồng. Tiếng rì rầm từ trong gốc rạ nghìn năm vẫn thế. Như nhắc nhớ, như khao khát cháy bỏng. Tôi cúi xuống lắng nghe. Tôi cúi nhặt tuổi thơ mình khét nắng. Thoảng xa xa ngún khói đốt đồng khóe mắt bỗng cay cay.
Thì ra tôi cũng vừa đi gặt về. Tôi gặt được bao nhiêu là ký ức từ cánh đồng làng. Trong vô vàn những thứ thân quen thì ký ức về đồng làng có lẽ bám rễ sâu nhất trong tâm tưởng của những người con của làng quê Việt.