Giỗ Tổ Hùng Vương - Nhân lên giá trị văn hóa Việt
Ngày Giỗ Tổ là dịp để cháu con hôm nay nhớ về nguồn cội, tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của cha ông, nhân lên những giá trị tốt đẹp của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
“Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”. Từ bao đời nay, câu ca ấy vẫn in sâu trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt. Để rồi, cứ đến tháng Ba, hàng triệu người con mang trong mình dòng máu Lạc Hồng cùng hướng về đất Tổ, tỏ lòng tri ân công đức tổ tiên với tất cả sự thành kính của mình.
Nước Văn Lang của người Việt cổ với văn minh lúa nước, văn minh sông Hồng rực rỡ đã tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc phong phú và độc đáo, đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam, để rồi, đất Phong Châu nơi các vua Hùng dựng nghiệp đã trở thành miền Đất Tổ. Trải mấy ngàn năm vật đổi sao dời, mỗi tấc đất, ngọn cây dưới chân Nghĩa Lĩnh, mỗi bậc đá thềm mây trên đền Trung, đền Thượng đã thấm đẫm huyền thoại về đạo lý cội nguồn.
Hàng nghìn năm, sức mạnh Việt Nam còn là dấu ấn không thể phai mờ của những giá trị văn hóa truyền thống được hun đúc qua nhiều thế hệ. Một trong những nét đẹp đó là tinh thần cố kết cộng đồng. 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S này, dù Kinh hay Thượng, dù ở miền ngược hay miền xuôi, đều là con của một Mẹ Âu Cơ. Dù ở trong nước hay ngoài nước, người Việt Nam luôn biết mình có chung một ngày Giỗ Tổ. Lòng yêu nước, nghĩa đồng bào vì thế mà trở thành giá trị thiêng liêng.
Vì vậy, thờ cúng Hùng Vương là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn ngàn đời của dân tộc. Nét đẹp văn hóa ấy được bền bỉ trao truyền, vun đắp qua nhiều thế hệ, như một điểm tựa tâm linh vững chắc trong đời sống tinh thần của người Việt. Tìm về non thiêng Nghĩa Lĩnh là tìm về giá trị của tinh thần đại đoàn kết toàn dân - yếu tố tạo nên sức mạnh vô biên cho dân tộc trong suốt cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước hôm qua, hôm nay và mãi mãi mai sau.
Từ một tín ngưỡng dân gian, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 10 năm qua, với sự nỗ lực của các Bộ ngành trung ương, chính quyền các địa phương và các tổ chức quốc tế, những giá trị của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày lan tỏa, thấm sâu vào đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Việt Nam.
Hàng trăm đình, đền thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật lịch sử thời đại Hồng Bàng trong cả nước, những mâm cỗ cúng Vua Hùng trong nhiều gia đình, những chương trình du lịch, ngoại khóa đưa lớp trẻ về với lịch sử mấy nghìn năm dựng nước của cha ông là minh chứng sinh động về sức sống của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong cộng đồng. “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” được tổ chức ở nước ngoài mấy năm nay, không chỉ để bà con Việt kiều hướng về nguồn cội, mà còn là cách để kết nối với bạn bè quốc tế, cùng bảo tồn, lan tỏa những giá trị mang tính toàn cầu của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, góp phần định vị văn hoá Việt Nam.
Với tất cả niềm tự hào dân tộc và lòng thành kính vô biên đối với Tổ tiên, ngày Giỗ Tổ xin thắp nén tâm nhang hướng về nguồn cội, càng thấm thía lời căn dặn của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta hãy cùng nhau giữ lấy nước”. Hãy cùng nhau nhân lên ý nghĩa thiêng liêng hai chữ “Đồng bào”, biến những giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống thành sức mạnh vật chất, thành nguồn lực nội sinh vô tận cho dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam thịnh vượng, trường tồn.
Theo Vân Thiêng (VOV1)