Trẻ em là nhóm nguy cơ cao nhiễm Covid-19
Dự kiến, trong tháng 4.2022, toàn tỉnh sẽ triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Dù vậy, đến nay nhiều phụ huynh vẫn còn băn khoăn, lo lắng. Xung quanh vấn đề này, Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
● Thưa ông, công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên đạt được nhiều kết quả đáng mừng, nhưng với trẻ em từ 5 - 11 tuổi, nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng. Ông có thể cho biết ngành Y tế chuẩn bị gì để đảm bảo an toàn tại các điểm tiêm?
- Thực tế đã chứng minh vắc xin phòng Covid-19 là an toàn và hiện vẫn được xem là giải pháp hữu hiệu để khống chế dịch bệnh Covid-19, giảm mức độ lây lan của dịch bệnh, đặc biệt là giảm các trường hợp mắc bệnh nặng phải nhập viện, giảm tử vong.
Vắc xin là giải pháp hữu hiệu để khống chế dịch bệnh Covid-19. Ảnh: T. KHUY
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, với sự xuất hiện nhiều biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 thì nguy cơ mắc bệnh nặng, biến chứng và tử vong lại đe dọa nghiêm trọng các đối tượng mắc các bệnh nền, chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng Covid-19.
Hiện trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là nhóm nguy cơ cao vì các cháu chưa được tiêm chủng và khả năng bị lây nhiễm bệnh rất cao khi trẻ đến trường, tiếp xúc với cộng đồng.
Để tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 an toàn, hiệu quả cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, ngày 4.4.2022 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 38/KH-UBND với mục tiêu: Tăng diện bao phủ vắc xin phòng Covid-19 trong cộng đồng để chủ động phòng chống dịch Covid-19; bảo đảm 90% trẻ từ đủ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh được tiêm vắc xin phòng Covid-19 trước tháng 9.2022.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đã có công văn phối hợp với Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã lập kế hoạch tổ chức giám sát công tác chuẩn bị và các điều kiện tổ chức tiêm chủng tại các địa phương. Đồng thời đã tổ chức tập huấn về triển khai tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cho tất cả cán bộ y tế từ tuyến tỉnh đến huyện, xã.
● Việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi có khác gì so với người lớn, thưa ông?
- Việc tổ chức tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cơ bản cũng như tổ chức tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. Tuy nhiên điểm khác biệt là liều lượng vắc xin sử dụng và sẽ sử dụng 2 loại vắc xin mRNA là vắc xin Comirnaty (Pfizer) cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và vắc xin Spikevax (Moderna) cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi (chỉ sử dụng 1 loại vắc xin để tiêm đủ 2 mũi cho 1 trẻ, mũi thứ 2 cách mũi đầu 4 tuần).
● Gần 1 triệu liều vắc xin Covid-19 đầu tiên do Úc tài trợ dành cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã về đến Việt Nam và sẽ được triển khai tiêm chủng ngay sau khi hoàn thành kiểm định - dự kiến là ngày 15.4. Sau lô này, tới ngày 12.4 sẽ có lô thứ 2 - dành tiêm cho trẻ lớp 6, sau đó khi các lô kế tiếp thuộc gói viện trợ hơn 20 triệu liều vắc xin cho trẻ em sẽ về đến Việt Nam, số này chủ yếu dùng tiêm chủng cho trẻ lứa tuổi nhỏ hơn. Ngoài Úc có Mỹ và một số quốc gia khác đã cam kết tặng vắc xin cho trẻ em Việt Nam.
● Theo tin từ Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 7.4 có 77,58% phụ huynh đồng ý tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi. Trong đó, tỷ lệ đồng thuận cao nhất ở nhóm phụ huynh có con học lớp 6.
Cụ thể, vắc xin Comirnaty (Pfizer) tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi khác hoàn toàn so với vắc xin tiêm cho người lớn, từ hình thức, đóng gói, liều lượng... Vắc xin ở dạng hỗn dịch đậm đặc pha tiêm, đóng gói có nắp màu cam. Mỗi liều 0,2 ml chứa 10 mcg vắc xin mRNA Covid-19, bằng 1/3 hàm lượng so với liều dành cho người từ 12 tuổi trở lên.
Vắc xin Spikevax (Moderna) sử dụng cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi cùng loại vắc xin sử dụng cho người lớn. Tuy nhiên, liều cho trẻ em chỉ 0,25ml chứa 50mcg vắc xin Covid-19 mRNA, bằng 1/2 liều cơ bản sử dụng cho người lớn.
Chiến dịch tiêm chủng sẽ triển khai đồng loạt trên địa bàn toàn tỉnh, ưu tiên các địa bàn có nguy cơ cao. Đối tượng dự kiến tiêm chủng là 165.570 trẻ. Trẻ đang đi học sẽ tiêm tại điểm tiêm chủng lưu động tại trường học. Trẻ không đi học sẽ tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động tùy thực tế của địa phương.
● Tác dụng phụ có thể xảy ra khi trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm vắc xin và những điều phụ huynh cần lưu ý khi chăm sóc trẻ trước, sau khi tiêm vắc xin là gì, thưa ông?
- Vắc xin phòng Covid-19 đã được sử dụng với số lượng lớn, nhiều nước đã tiêm cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và cho thấy là vắc xin an toàn. Tuy nhiên bất kỳ một vắc xin nào cũng có thể có các phản ứng sau tiêm chủng, hầu hết là các phản ứng thông thường, tự khỏi trong vòng 1 - 2 ngày. Rất hiếm trường hợp có phản ứng nặng, nhưng cần phải theo dõi để phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Đối với vắc xin Comirnaty (Pfizer), phản ứng thường gặp phổ biến là: Đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, biểu hiện mệt mỏi, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm, buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm. Và đối với vắc xin Spikevax (Moderna), phản ứng thường gặp là: Sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác (ví dụ ở cổ, ở trên xương đòn), đau đầu, buồn nôn/nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm.
Trước khi cho trẻ đi tiêm chủng, phụ huynh cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, theo dõi sức khỏe trẻ xem có gì bất thường không, khai báo đầy đủ cho cán bộ y tế khám sàng lọc về tình trạng sức khỏe của trẻ. Bố mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà chặt chẽ trong vòng 24 giờ và tiếp tục theo dõi trong vòng 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu sau tiêm chủng về các dấu hiệu: Toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường. Lưu ý, trong 3 ngày đầu sau tiêm luôn có người chăm sóc, hỗ trợ cho trẻ 24/24 giờ, trẻ tránh vận động mạnh.
● Xin cảm ơn ông!
THẢO KHUY (Thực hiện)