Hỗ trợ khắc phục thiệt hại tàu cá do thiên tai: Kịp thời trước mắt, bền vững lâu dài
Thiên tai bất thường vừa qua khiến nhiều tàu cá bị đánh chìm; phần lớn chủ tàu có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ ban đầu. Song, vẫn cần những giải pháp căn cơ để hoạt động nghề cá phát triển bền vững.
Trắng tay
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, từ ngày 30.3 - 2.4, sóng to, gió lớn đã làm chìm 92 phương tiện (2 ca nô, 46 tàu cá, 33 thúng, 11 bè du lịch) ở TP Quy Nhơn, TX Hoài Nhơn và các huyện Phù Cát, Phù Mỹ. Trước mắt, đối với tàu bị chìm, tỉnh sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng/tàu công suất dưới 20 CV, 15 triệu đồng/tàu công suất 20 - 50 CV.
Những mảnh vỡ của tàu chìm sau khi được trục vớt tại bãi biển Nhơn Lý. Ảnh: HOÀI THU
Địa phương bị thiệt hại nhiều nhất là xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn). Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý Nguyễn Thành Danh, qua thống kê, có 53 phương tiện của 51 hộ bị chìm; trong đó có 32 tàu cá công suất 5 - 20 CV. Hàng trăm lao động chính trong các gia đình và người phụ thuộc gặp khó khăn sau khi tàu chìm, không có việc làm, mất nguồn thu nhập trang trải cuộc sống hằng ngày.
Lâm vào cảnh bi đát nhất là ngư dân Huỳnh Chín (49 tuổi, ở thôn Lý Chánh). Cả gia đình ông sống chen chúc trong căn nhà chỉ khoảng 10 m2; vay mượn khắp nơi đóng được tàu công suất 10 CV để kiếm sống, khi còn chật vật thì tàu chìm gây thiệt hại khoảng 35 triệu đồng. Sáng 31.3, nghe tin tàu chìm, ông lo lắng không yên; đến chiều thì đột quỵ, dù được nhanh chóng đưa vào cấp cứu tại BVĐK tỉnh nhưng ông vẫn bị liệt nửa người.
Từ ngày 1.4 đến nay, các hộ có phương tiện bị chìm đã nhận được nhiều sự quan tâm, trợ giúp. Trong đó, UBND TP Quy Nhơn hỗ trợ 51 suất (2 triệu đồng/suất); Hội CTĐ tỉnh hỗ trợ 50 suất (mỗi suất gồm 500 nghìn đồng và 10 kg gạo), Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ hơn 168 triệu đồng cho 51 hộ; Đảng ủy Khối DN tỉnh vận động hỗ trợ 50 suất (1 triệu đồng/suất)…
Trên địa bàn huyện Phù Cát có 6 phương tiện bị chìm (2 tàu cá, 4 thúng) của ngư dân xã Cát Tiến, hầu như bị hư hại hoàn toàn. Theo ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, đơn vị đã có văn bản báo cáo Sở NN&PTNT, đề nghị xem xét đề xuất tỉnh có hình thức hỗ trợ các hộ ngư dân khó khăn có điều kiện đóng tàu mới.
Mong được hỗ trợ để ổn định sinh kế
Theo nhiều ngư dân giàu kinh nghiệm, đợt mưa to, gió lớn vừa qua chưa từng xảy ra ở địa phương cho thấy biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, và nghề biển càng tiềm ẩn rủi ro cao. Trong khi đó, tàu cá khai thác vùng ven bờ thường không mua bảo hiểm để chủ động dự phòng khi gặp sự cố gây thiệt hại. Đây là vấn đề quan trọng cần được đặt ra và giải quyết để nghề cá phát triển bền vững.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo kịp thời công tác hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai. Sở NN&PTNT cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan đang phối hợp ghi nhận, đánh giá kỹ hơn về khó khăn trước mắt cũng như lâu dài đối với bà con ngư dân bị ảnh hưởng, qua đó sẽ tham mưu, đề xuất lãnh đạo tỉnh xem xét việc hỗ trợ phù hợp thực tế, đúng quy định.
Theo ngư dân Lê Văn Ngôn (58 tuổi, ở thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý), tàu cá khai thác xa bờ đầu tư lớn, rủi ro cao nên thường mua bảo hiểm và được Nhà nước hỗ trợ một phần. Trong khi đó, tàu cá của ngư dân Nhơn Lý chủ yếu khai thác vùng ven bờ, hầu như ít gặp tai nạn gây thiệt hại nặng, chủ tàu không lo xa đến chuyện mua bảo hiểm.
“Tàu công suất 7 CV của tôi vừa rồi được trục vớt, thân tàu vỡ, ngư lưới cụ mất mát, thiệt hại khoảng 40 triệu đồng; chỉ lấy lại được máy tàu nhưng cũng hư hỏng, chưa biết còn dùng được phần nào không. Thời gian tới có đóng lại tàu, mua sắm ngư lưới cụ thì giá cũng tăng cao hơn so với trước đây, tốn khoảng 60 triệu đồng. Mong các cấp, ngành quan tâm cho vay ưu đãi với lãi suất thấp để ngư dân chúng tôi có điều kiện khôi phục lại hoạt động khai thác”, ông Ngôn bộc bạch.
Cần sự hỗ trợ mang tính lâu dài cũng là mong muốn chung của nhiều ngư dân có tàu bị chìm. Ngư dân Nguyễn Văn Toàn (50 tuổi, ở thôn Lý Chánh) có tàu công suất 8 CV, dù biết rõ vị trí tàu chìm nhưng vẫn chưa trục vớt lên bờ được, tổng thiệt hại khoảng 30 triệu đồng, nếu đầu tư lại tốn ít nhất khoảng 50 triệu đồng.
“Đóng tàu mới thì phải mất ít nhất một tháng, còn tìm mua lại tàu cũ thì chưa ra, nếu có cũng giá cao vì họ biết mình cần gấp. Đang vào mùa khai thác chính nên ngư dân chúng tôi như ngồi trên lửa khi không có tàu, mất nghề chính nuôi gia đình. Thật sự chúng tôi mong có được sự hỗ trợ kịp thời để đầu tư phương tiện đi biển”, ông Toàn chia sẻ.
HOÀI THU