Chung sức vươn khơi, bám biển
Ngày mai là ngày Đại dương Thế giới (8.6). Năm nay, Liên Hiệp Quốc chọn chủ đề của ngày Đại dương Thế giới là “Cùng chung sức - Chúng ta có sức mạnh bảo vệ đại dương”. Trong ngày hôm nay (7.6), Lễ mít-tinh hưởng ứng ngày Đại dương Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo năm 2014 (từ 1 đến 8.6) đã được tổ chức tại Hải Phòng với nhiều hoạt động thiết thực.
Với vị thế là một quốc gia ven biển, có đường bờ biển dài hơn 3.260 km và hàng triệu km2 mặt nước biển thuộc vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế, từ nhiều năm qua, vấn đề “Làm thế nào để mạnh lên từ biển, làm giàu từ biển?” đã được đặt ra đối với nước ta. Bình Định cũng là một tỉnh duyên hải, có trên 134 km bờ biển và trên 40.000 km2 mặt nước biển, là tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển và làm giàu từ biển. Với nhiều nỗ lực trong những năm qua, kinh tế biển của Bình Định đã và đang phát triển theo chiều hướng tích cực, đã hình thành các mũi nhọn về kinh tế cảng biển và hàng hải, khai thác - nuôi trồng - chế biến hải sản và du lịch.
Tuy nhiên, các ngành kinh tế biển của Bình Định phát triển mới ở bước đầu, chưa thật sự tương xứng với tiềm năng. Ngành thủy sản phần lớn vẫn là đánh bắt thủ công, phải đối mặt với nguy cơ suy thoái về môi trường sinh thái và nguồn lợi. Ngành chế biến vẫn còn nhỏ bé, sản phẩm chưa nhiều, chưa phong phú. Ngành hàng hải mới chỉ bước đầu phát huy được ưu thế về cảng, chưa có đội tàu vận tải mạnh và hệ thống cung ứng dịch vụ hậu cần đa dạng…
Để khai thác tiềm năng biển trong thời gian tới chúng ta cần đầu tư nhiều hơn để phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ, mở rộng thị trường… nhằm hình thành và phát triển một số ngành mũi nhọn như: du lịch biển, dịch vụ cảng biển, khai thác và nuôi trồng hải sản; chuyển hướng mạnh mẽ cơ cấu sản xuất từ nghề đánh bắt cá gần bờ, ven đảo sang đánh bắt cá xa bờ, gắn với bảo vệ và tái tạo nguồn lợi. Phát triển du lịch biển, đảo nói riêng và du lịch nói chung cần được đầu tư có trọng điểm, mang tính đột phá mạnh mẽ...
Một tin vui là mới đây Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo lập gói hỗ trợ 10.000 tỉ đồng cho ngư dân đóng tàu thép với lãi suất ở mức không quá 3%/năm; có chính sách mua bảo hiểm thân tàu và tính mạng cho ngư dân. Bên cạnh đó còn có thêm nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngư dân để phát triển nhanh, mạnh nghề cá. Mục tiêu của chương trình hỗ trợ này là đến năm 2020, cả nước phải có 30.000 tàu vỏ thép giúp ngư dân đánh bắt xa bờ, vươn khơi, bám biển. Với chương trình này Bình Định sẽ có thêm nguồn lực và cơ hội để đưa mũi nhọn kinh tế này phát triển nhanh, mạnh, vững chắc và hiệu quả hơn.
Hiện nay, trước tình hình an ninh trên Biển Đông đang rất phức tạp, song ngư dân của ta vẫn không lùi bước, tiếp tục sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, vẫn quyết tâm bám ngư trường thuộc chủ quyền đánh bắt hải sản và duy trì sự hiện diện thường xuyên của mình để khẳng định chủ quyền biển, đảo trên vùng biển Tổ quốc. Vì vậy, hơn lúc nào hết việc triển khai nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ ngư dân, giữ vững các ngư trường truyền thống là góp phần thiết thực và tích cực bảo vệ chủ quyền quốc gia. Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, mỗi ngư dân ra khơi bám biển cũng là một chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
HẢI ĐĂNG