Vật liệu tăng giá, nhà thầu xây dựng gặp khó
Giá xăng dầu, vật liệu xây dựng tăng cao khiến các nhà thầu xây dựng gặp nhiều khó khăn. Các dự án, nhất là dự án đầu tư công vì thế cũng đứng trước nguy cơ đội vốn.
Những tháng đầu năm 2022, giá vật liệu xây dựng (VLXD) như sắt thép, xi măng, cát, nhựa đường… đã 3 lần tăng giá. Đến nay, giá thép dao động quanh mức 19 - 19,5 triệu đồng/tấn; giá các loại VLXD khác đều tăng từ 15 - 30%…
Loay hoay gỡ khó
Theo ông Nguyễn Kỵ, chủ một công ty xây dựng tại Quy Nhơn, do VLXD tăng giá liên tục, nhà thầu không dám ký hợp đồng trọn gọi mới, còn những hợp đồng đã ký trước đó đang rơi vào tình cảnh thua lỗ vì giá VLXD tăng 30% so với cuối năm 2021. “Mình ký hợp đồng thầu trọn gói thi công mà từ sắt thép đến cát, đá, xi măng… đều tăng giá. Những công trình nhà dân không có tính phần trượt giá trong hợp đồng, đàm phán với chủ nhà không xong, công ty đành chấp nhận thua lỗ”, ông Kỵ lo lắng.
Biến động khó lường của giá VLXD cũng đã ảnh hưởng khá lớn tới hoạt động đầu tư công. Đặc biệt lo là công trình xây dựng cầu, đường giao thông… thời gian xây dựng dài, việc lên kế hoạch, dự toán kéo dài cả năm, trong khi giá VLXD tăng hằng ngày, dẫn đến đội vốn rất nhiều so với đơn giá hồ sơ.
Công ty TNHH Xây dựng Thuận Đức tập trung máy móc, công nhân đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu lớn trên tuyến giao thông ven biển.
Công ty TNHH Xây dựng Thuận Đức đang tập trung máy móc, thiết bị, huy động 200 công nhân đẩy nhanh tiến độ 3 gói thầu lớn trên tuyến ven biển đoạn Lại Giang - Thiện Chánh, Cát Tiến - Đề Gi, tuyến Điện Biên Phủ - Diêm Vân. Đơn vị này còn tham gia các dự án bảo trì đường giao thông. Giá xăng dầu, VLXD tăng khiến gói thầu đội vốn đã đành, nhà thầu còn đau đầu khi giá nhân công cũng vọt lên.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Chỉ huy trưởng công trình của công ty, cho hay: Nhiên liệu, VLXD tăng 30%, giờ ngay cả giá nhân công cũng tăng lên 350 nghìn đồng/người/ngày. Các dự án thi công đường giao thông bằng vốn ngân sách nhà nước triển khai thời gian dài, đều có điều khoản hợp đồng điều chỉnh giá, nhưng điều chỉnh cũng thực hiện theo giá nhà nước công bố chứ không theo kịp giá thị trường. Trong khi đó, các hợp đồng bảo trì trọn gói thì “chết đứng”. Để ứng phó, giải pháp được nhà thầu đưa ra là tăng cường nhân lực, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành phần khối lượng đã đăng ký hoặc ký kết từ trước, tránh để kéo dài sẽ càng thiệt hại lớn. Nhưng, trượt giá lớn như vậy là do nguyên nhân khách quan, đơn vị đề xuất nhà nước có chính sách hỗ trợ điều chỉnh giá, bù giá, nhất là với những công trình khởi công trong năm 2022.
Công bố đơn giá chưa kịp thời
Nhiều ý kiến từ DN xây dựng và đơn vị liên quan cũng nêu bất cập đơn giá VLXD thời gian qua chưa sát thực tế, trong khi giá VLXD tăng gấp nhiều lần, khiến dự toán đầu tư ban đầu chênh lệch lớn so với thực tế.
Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh hiện triển khai 28 dự án; trong đó 19 dự án đang thi công, 4 dự án chuẩn bị khởi công và 5 dự án chuẩn bị đầu tư. Dù các nhà thầu đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, nhưng cũng không thể tránh khỏi những thiệt hại do giá xăng dầu, VLXD leo thang. Đối với những dự án đã ký hợp đồng, phần lớn là hợp đồng điều chỉnh giá sẽ điều chỉnh theo biến động giá theo công bố giá của liên sở Tài chính - Xây dựng.
Các nhà thầu công trình rất lo lắng khi giá VLXD biến động, tăng liên tục. Ảnh: M.H
Ông Lưu Nhất Phong, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh, cho hay: “Chưa có công trình dự án nào phải giãn tiến độ do ảnh hưởng từ tăng giá nhiên liệu, VLXD, nhưng nếu giá vẫn liên tục tăng thì nguy cơ hiện hữu tăng vượt phần dự phòng, làm tăng mức đầu tư của dự án. Chúng tôi đang theo dõi sát biến động giá và kiểm soát tiến độ, chất lượng các công trình đầu tư. Đối với công trình chuẩn bị khởi công mới, đơn vị sẽ tính toán, đưa ra dự toán sát thực tế, để báo cáo UBND tỉnh kiến nghị điều chỉnh dự toán đầu tư”.
Trong khi đó, ông Lê Anh Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng xác nhận, việc tăng giá nhiên liệu, VLXD ảnh hưởng đến tổ chức đấu thầu các dự án và gói thầu đang triển khai xây dựng. Đối với gói thầu ký hợp đồng trọn gói hoặc hợp đồng theo đơn giá cố định, việc tăng giá VLXD sẽ gây nhiều khó khăn cho nhà thầu, do không được điều chỉnh đơn giá theo thực tế biến động của thị trường. Tuy nhiên, với các hợp đồng đã ký kết thì vẫn phải căn cứ điều khoản cam kết trong hợp đồng để tiếp tục triển khai thi công theo tiến độ. Hiện, đối với các công trình vốn đầu tư công, các chủ đầu tư đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để kịp giải ngân theo kế hoạch vốn năm 2022.
“Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài chính thường xuyên rà soát biến động giá VLXD trên địa bàn tỉnh, định kỳ hằng tháng công bố giá các loại VLXD và hằng quý công bố chỉ số giá xây dựng. Trường hợp có biến động lớn, liên sở sẽ tổ chức họp bất thường và xem xét công bố giá để đảm bảo giá công bố cơ bản phù hợp với thị trường. Riêng việc điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng phải tuân thủ các quy định pháp luật về hợp đồng xây dựng và quản lý chi phí”, ông Sơn cho hay.
Kiến nghị xem xét điều chỉnh tổng mức đầu tư
“Giá nhiên liệu, VLXD tăng khiến hàng loạt nhà thầu thi công dự án, thi công công trình “hụt hơi” nếu không có hỗ trợ. Bất cập hiện nay là giá VLXD thay đổi từng ngày, trong khi đối với các công trình do nhà nước làm chủ đầu tư, việc điều chỉnh giá tốn rất nhiều thời gian, không theo kịp biến động giá thực tế, gây khó khăn cho chủ đầu tư và nhà thầu. Đối với công trình dự án đầu tư bằng vốn ngân sách, kiến nghị tỉnh xem xét điều chỉnh tổng mức đầu tư. Đồng thời, giải quyết khung báo giá kịp thời cho các dự án mới và bổ sung cho dự án chưa phê duyệt đấu thầu, hoặc chưa triển khai thi công. Liên sở Tài chính - Xây dựng cần công bố đơn giá VLXD hằng tháng kịp thời, bám sát diễn biến thị trường, cập nhật đầy đủ chủng loại VLXD chính tại công trình dự án”.
Ông Bùi Tấn Lực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Bình Định
MAI HOÀNG