Mùa hạ có mẹ
Truyện ngắn của NGUYỄN MỸ NỮ
Bố mẹ chia tay cách đây đúng ba năm, hồi tôi đang học cấp Một. Khi ra tòa em Huy còn nhỏ nên được ở với mẹ, còn tôi sống với bố và điều này, đối với chúng tôi rất là kinh khiếp. Không chỉ hai đứa trẻ trong nhà phát ốm, khi cảnh gia đình bị tan rã mà cả người lớn cũng lao đao. Mẹ bỏ ăn khóc mãi, còn bố hút thuốc nhiều ho khan. Hết cả mọi người ở cả hai phía nội lẫn phía ngoại của chúng tôi đều buồn thiu buồn thỉu. Đấy! Là thời gian đầu rồi mọi thứ cũng dần quen và đi vào nề nếp.
Trước đây gia đình tôi ở cao nguyên. Sau khi ly hôn, bố xin chuyển công tác và cha con tôi đưa nhau xuống thành phố biển, để rồi, tôi thấy yêu hơn cả hai nơi: Quy Nhơn và Pleiku. Cứ đến hè, khi được nghỉ học, bố lại cho tôi lên Pleiku ở với mẹ và em Huy. Bố rất chu đáo nên đã chuẩn bị cho mấy mẹ con hằng bao nhiêu là thức ăn ngon. Bánh tráng, chắc chắn là không thể thiếu rồi lại còn thêm bánh ít, bánh in… Và còn rất nhiều hải sản nữa chứ! Biển êm vào khoảng này nên cá mú ê hề. Mẹ ghiền cá nục kho keo, em Huy thích cá ngừ kho mẳn ăn bún tươi, tôi rất mê mực ống nhỏ có trứng xào thơm cà giá… Nhìn bố đóng gói các thứ cá mắm vào thùng xốp ướp đá mà thương sao!
Khoảng thời gian tôi về ở trên đó, thường, ba mẹ con chúng tôi vào sống hẳn trong rẫy của bà ngoại. Mẹ tôi đi dạy ngay tại thành phố nên cũng chỉ có thể về thăm nhà vào cuối tuần. Mùa hè mẹ cũng được nghỉ và ba mẹ con có quyền ăn no ngủ kỹ, vui chơi thỏa thích cùng nhau. Đang giữa mùa bắp và bắp, làm kiểu gì cũng ngon nhưng chúng tôi ưa nhất là bắp nướng. Bởi thích mê những buổi tối được vây quanh ngoại và mẹ bên bếp lửa, nhóp nhép từng hạt bắp một. Nhẩn nha thưởng thức cho hết cái dòn thơm ngọt của bắp và vui thích lắng nghe những câu chuyện cổ tích rất hay của bà. Ở Pleiku đêm mát lạnh, trong khi mùa hè ở Quy Nhơn rất nóng. Chẳng trách em Huy nhớ bố, thèm đi tắm biển là thế nhưng mẹ cho xuống ở chơi chỉ mới mấy hôm đã đòi lên. Em bảo: “Ở với bố rất thích. Đi tắm biển cũng rất thích, nhưng cái nóng ở dưới ấy thì chả thích tí nào”. Bắp ở dưới Quy Nhơn cũng từ Pleiku chở xuống và được các bà, các cô gánh đi bán khắp các ngả đường. Ăn chẳng qua là để cho đỡ thèm và ăn rồi lại đâm ra nhớ những trái bắp non còn mọng sữa, vừa được hái từ rẫy về rồi đem luộc ngay. Khiếp, sao mà nó ngọt đến thế! Ngoài bắp, nhà bà ngoại chẳng thiếu một loại cây trái nào của vùng cao. Bầu bí được trồng đến mấy giàn và quả bầu to lắm, không làm sao ăn cho hết. Mẹ phải xắt ra phơi hằng mấy nắng cho thật khô, để dành kho với cá, thịt ăn dần. Lần đầu tôi được ăn món bầu khô kho thấy lạ miệng, sau quen lại đâm ghiền. Còn bí đỏ mà gặp loại bí mọi thì thôi bùi khỏi chê. Mẹ hay nấu chè bí với đậu xanh ăn cho nhuận trường. Rồi còn đu đủ, bơ… Mấy năm nay, rẫy nhà bà ngoại còn trồng được cả nho và thanh long, lấy giống từ Phan Rang đem về. Bà nuôi được mấy con thỏ đẹp lắm và em Huy rất mê. Em cho thỏ ăn cà rốt và có thể ngồi hàng giờ để ngắm mấy chú thỏ trắng xinh xắn mà vẫn không chán.
Cứ cách mấy hôm mẹ lại đưa hai chị em chúng tôi lên suối chơi. Ba mẹ con đùm gói sẵn đồ ăn, thức uống và ở trên đó cả ngày. Tắm biển đã thích mà tắm suối càng thích hơn. Tôi hay tìm mấy cái hồ nho nhỏ chỉ vừa đủ cho một người và nằm dài ra lười lĩnh, mặc cho dòng nước từ trên cao tuôn xuống tràn trề. Em Huy và mẹ thì bơi ở một cái hồ rất to. Mẹ bơi cừ lắm nhưng cứ giả vờ thua để cho em Huy thắng. Em Huy đã chẳng biết mà cái mặt còn câng câng, ra chiều tự đắc lắm cơ! Ở trên suối có những hang động, được tạo thành từ những tảng đá lớn xếp lại với nhau hết sức tài tình. Chúng tôi vẫn thường vào trong đó ăn trưa và nghỉ ngơi. Em Huy còn nhóm lửa lùi khoai. Em tham ăn quá, chưa lột hết vỏ đã vội nhai nhồm nhoàm khiến cho cái mồm của em bị dính tro, đen sao mà đen, làm mẹ và tôi không sao nhín cười được. Cười cả chuỗi dài, rất to và thật đầy. Em Huy cũng nhe răng sún cười theo. Tiếng cười của ba mẹ con dòn vang, dội vào lòng hang và cứ âm âm, âm âm mãi…
Mẹ dặn tôi và em Huy phải dậy sớm để còn được nhìn sương. Mẹ nói: “Lên cao nguyên mà không thấy được sương thì uổng phí lắm”. Em Huy bảo: “Con thấy hoài nên thôi, nhường cho chị Hoa… thấy đấy”. Thế là sớm sớm chỉ có tôi và mẹ trở dậy bên nhau, co ro trong cái lạnh khi đứng trước hiên, nhìn sương giăng trắng hết cả khung cảnh chung quanh. Sương giăng kín con đồi bên cạnh, những dãy cà phê bạt ngàn của bà ngoại, những khu vườn và những mái nhà… Đó là một khung cảnh rất đẹp mà ở một thành phố biển như Quy Nhơn, chẳng bao giờ có được. Mùa hè năm ngoái, tôi nhớ trong một buổi sớm như thế, tôi đã ôm lấy vai mẹ và thủ thỉ:
- Mẹ ơi, chừng già mẹ vẫn ở Pleiku, mẹ nhé!
- Để làm gì hả con?
- Để con được lên sống với mẹ và nhìn sương với mẹ.
Nhìn tôi một lúc lâu với ánh mắt đầy thương yêu, mẹ khẽ nói ngập ngừng:
- Có chắc không đấy, chim con? Mẹ sợ lớn lên con sẽ…
- Sẽ… sẽ… sao cơ?
- Sẽ như chim ấy. Vút bay đi tận những đâu đâu…
- Thế là mẹ không hiểu con rồi. Cả bố nữa.
- Bố làm sao?
- Bố bảo bố chỉ thích con làm chim hải âu để quanh năm đùa trên sóng nước, để được ở gần bố. Chẳng là bố bảo về già bố cũng chỉ ở xứ biển, ở Quy Nhơn mà thôi.
Nghe đến đấy mẹ cười lên khanh khách, khiến tôi đâm ra lúng túng và ngượng ngùng như mình vừa mắc phải một lỗi lầm gì vậy. Chắc thấy tôi tội nghiệp, mẹ ôm tôi vào lòng và lên tiếng:
- Thế là bố con khôn rồi nhưng mẹ nói thật nhé?
- Thật gì cơ ạ?
- Nếu bố đã thích con làm chim hải âu để quanh năm được gần bố, mẹ lại thích con làm loài chim nào đó ở núi, để con được ở đây với mẹ mãi mãi.
- Thế thì mẹ thích giống con rồi. Nhưng như thế bố…
- Thì một năm con làm cả hai loài chim. Ở dưới đó nóng bức quá thì lại bay về trên này làm chim núi, ở trên này rét quá lại bay về dưới đấy là chim biển. Đúng không?
- Nhưng những lúc chim bận học thì sao hả mẹ?
- Ối giời! Thế thì còn nói làm gì. Mẹ nói đây là mẹ nói khi con đã lớn ấy thôi.
- Ừ nhỉ! Thế mà chim con không nghĩ ra.
- Chim con sẽ lớn và chim con sẽ đi làm. Rồi chim con sẽ có phép năm, nghỉ tết…
- Con chỉ nghỉ hè thôi. Mẹ biết sao không? Vì con chỉ muốn được như mẹ. Làm cô giáo như mẹ.
“Phải đấy! Con làm cô giáo như mẹ và mùa hè cô giáo lên cao nguyên thăm mẹ. Làm chim núi của mẹ. Còn cô giáo đi dạy học ở đây. Cô giáo còn phải làm chim hải âu của bố nữa chứ!”. Đấy là những điều bố nói chứ không phải mẹ. Bố nói sau khi nghe tôi kể lại tất cả câu chuyện của hai mẹ con, vào một buổi sớm ở Pleiku. Bố vừa nói vừa quạt cho tôi ngủ trong một buổi trưa, cả thành phố Quy Nhơn đều bị cúp điện. Bố quạt thư thả và vẫn bằng cái giọng trầm buồn, nhẩn nha nói tiếp: “Cứ thế, chim con của bố mẹ nhé! Ở dưới này nắng nôi quá thì bay về trên đó tìm chút rét và để mẹ ủ cho ấm. Trên ấy có rét thì bay về đây kiếm tí nóng và để bố quạt cho. Con thấy không? Có bao giờ con thiếu vắng bố mẹ đâu cơ chứ!”.
Những từ sau cuối thoát ra khỏi bố một cách khó khăn, cứ như thể, đã có một cái gì đó khiến cho bố mắc nghẹn. Bỗng dưng tôi muốn khóc, bởi chẳng bao giờ tôi có thể quên được điều này: bố mẹ đã ly hôn.
N.M.N