Nghiên cứu chính sách hỗ trợ với người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế
Theo thống kê, hiện nay 95% số người cao tuổi đã có thẻ bảo hiểm y tế, tuy nhiên vẫn còn tới 5% (khoảng 500 nghìn người) người cao tuổi vẫn chưa có thẻ bảo hiểm y tế, trong đó nhiều người cao tuổi có hoàn cảnh rất khó khăn, không có thu nhập, khiến họ không được tiếp cận dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe tốt nhất…
Việt Nam hiện là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo dự báo tới năm 2030, Việt Nam có khoảng 17% số dân là người cao tuổi và tỷ lệ này sẽ tăng lên 25% vào năm 2045. Điều này một mặt cho thấy những thành tựu phát triển của Việt Nam khi đời sống, tuổi thọ của người dân ngày càng được nâng cao, mặt khác đòi hỏi phải có chủ trương, cơ chế, chính sách, sự chăm lo tốt hơn cho người cao tuổi, giải quyết, xử lý hài hòa giữa mặt thuận và mặt không thuận của xu thế già hóa dân số.
Tập phục hồi chức năng cho người cao tuổi tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người cócông TP Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG.
Với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ nhiều năm nay, người cao tuổi của nước ta được chăm sóc ngày càng tốt hơn. Theo báo cáo, hiện có hơn 3,2 triệu người cao tuổi đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, hơn 800 nghìn người cao tuổi đang hưởng chế độ người có công và gần 1,9 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng (trong đó, có hơn 10 nghìn người cao tuổi được chăm sóc ở cơ sở trợ giúp xã hội. Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, mức trợ cấp từ năm 2010 - 2020 cho người cao tuổi đã nâng từ 90 nghìn đồng/tháng nay là 360 nghìn đồng/tháng (tăng gấp bốn lần).
Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Nguyễn Thanh Bình cho rằng, thời gian qua, người cao tuổi ngày càng nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh vừa qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tham mưu Chính phủ kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có người cao tuổi, nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Hội Người cao tuổi Việt Nam cũng đề xuất Bộ LĐ-TB&XH sớm sửa đổi Luật Người cao tuổi; phối hợp để giải quyết 5% số người cao tuổi hiện nay chưa có thẻ bảo hiểm y tế, để 100% số người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe thông qua bảo hiểm y tế.
Với những đề xuất của Hội Người cao tuổi Việt Nam, về những giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng LĐ-TB&XH, Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ sớm tổng kết và sửa đổi pháp luật để hệ thống pháp luật đồng bộ và đi vào cuộc sống hơn. Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất sửa đổi Luật Người cao tuổi vào năm 2024 và nội dung sửa đổi tập trung vào những nội dung thiết yếu, đặc biệt là rút ngắn độ tuổi người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, người già cần nhất là chăm sóc sức khỏe, vì vậy, trong lúc chưa sửa luật, cần phải vận dụng nhiều cách khác nhau để bảo đảm 100% số người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế. Hội có thể kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ra Nghị quyết, giao Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đánh giá đầy đủ và dùng ngân sách địa phương để hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi.
Trên cơ sở nghiên cứu đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chính sách người cao tuổi thời gian qua, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 102/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao một số bộ, ngành đề xuất hoàn thiện các chế độ, chính sách, pháp luật về người cao tuổi, trong đó có việc nghiên cứu hỗ trợ hợp lý đối với nhóm người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế.
Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí với các kiến nghị cụ thể của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam. Trong đó, đối với đề nghị tham gia xây dựng dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi, Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam trong quá trình xây dựng dự án, tập trung nghiên cứu điều chỉnh về các vấn đề mới, cấp thiết, sát với tình hình thực tiễn.
Về đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, chính sách đối với người cao tuổi và chủ trương hỗ trợ nhóm người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế, Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện. Trên cơ sở đó, đề xuất hoàn thiện các chế độ, chính sách, pháp luật về người cao tuổi, trong đó có việc nghiên cứu hỗ trợ hợp lý đối với nhóm người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế.
Về đề nghị xây dựng Đề án “Trung tâm nghỉ dưỡng người cao tuổi” trên cơ sở huy động nguồn lực xã hội hóa, Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét phù hợp nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, điều kiện thực tế và các quy hoạch, quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm phát huy nguồn lực của địa phương và các tổ chức, cá nhân.
Theo Nguyên Khang (NDĐT)