Tuy Phước nỗ lực bảo tồn, phát huy di sản văn hóa
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tuy Phước có 16 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng và kiến trúc nghệ thuật đã được các cấp công nhận, gồm có 4 di tích cấp quốc gia và 12 di tích cấp tỉnh.
Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là Trung ương và UBND tỉnh đã chỉ đạo hỗ trợ, bổ sung các nguồn kinh phí cho địa phương triển khai, thực hiện việc đầu tư xây dựng, tôn tạo các di tích lịch sử thường xuyên, bài bản. Nhờ đó, đã từng bước thay đổi diện mạo các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện ngày càng khang trang hơn, xứng tầm với giá trị lịch sử đã được các cấp công nhận.
Biểu diễn tuồng trong ngày khánh thành đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn. Ảnh: X.V
Với 4 CLB bài chòi đã thành lập, hằng năm Trung tâm VH-TT&TT huyện đã tổ chức tập huấn kỹ thuật hô hát bài chòi nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ nghệ nhân cũng như bồi dưỡng cho đội ngũ nghệ nhân mới. Ngoài ra, còn tổ chức sưu tầm các câu thai mới để truyền bá, phục vụ cho việc hô, hát bài chòi. Hoạt động của các CLB này đã góp phần làm sinh động đời sống văn hóa tinh thần ở địa phương.
Cùng với đó, Tuy Phước duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống tại địa phương như: Hội Chợ Gò, Hội Đua thuyền, Lễ hội Đô thị Nước Mặn… để giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở từng địa phương; đồng thời, tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác quản lý việc tổ chức các hoạt động lễ hội, dịch vụ tại di tích, nhằm mục đích phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời việc tổ chức, cá nhân lợi dụng lễ hội để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí thiếu lành mạnh, cờ bạc trá hình, mê tín dị đoan, biểu diễn nghệ thuật không có giấy phép... tại các di tích làm giảm đi tính tôn nghiêm và nét đẹp văn hóa truyền thống trong lễ hội. Nhờ đó, các lễ hội ở huyện Tuy Phước được du khách đánh giá rất cao ở vấn đề gìn giữ di sản, không có hiện tượng thương mại hóa.
Tuy đạt nhiều kết quả nhưng công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa ở huyện Tuy Phước vẫn còn một số tồn tại nhất định. Công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện kế hoạch có nỗ lực nhưng sự phối hợp giữa các ngành chức năng đôi khi còn bị động. Một số di sản văn hóa mới được kiểm kê và nhận diện, chưa được quan tâm nghiên cứu, đánh giá. Các hoạt động trùng tu, tôn tạo một số di tích chưa được quan tâm đúng mức…
Ông Huỳnh Thanh Trang, Trưởng Phòng VH-TT huyện Tuy Phước, cho biết: Thời gian đến, huyện sẽ tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trên lĩnh vực văn hóa. Xác định nhiệm vụ xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.
XUÂN VINH