“Căn bệnh” trầm kha
Một người bạn của tôi viết trên facebook: Lớp của Bi em (con trai của anh.PV) có sĩ số 37; tổng kết năm học cuối cấp (tiểu học) có 23 em học sinh giỏi, 13 em học sinh tiên tiến, chỉ có một em là học sinh trung bình. Mình thấy sao sao. Thời mình đi học trường làng, chỉ duy nhất có một bạn được học sinh giỏi. Bây giờ thì ngược lại…
Đó không phải là suy nghĩ riêng của bạn tôi. Trong những năm gần đây, tỉ lệ học sinh giỏi trở nên cao hơn nhiều ở các trường phổ thông, nhất là ở cấp tiểu học và trung học cơ sở. Thường là 70-80% giỏi; một số trường còn cao hơn. Đó là một tỉ lệ kỳ cục, vì các nghiên cứu đều chỉ ra rằng con người ta có đến 90% là trung bình, chỉ khoảng 10% là giỏi. Việc tồn tại một tỉ lệ học sinh giỏi không bình thường như những năm qua nếu không phải là bệnh thành tích thì là gì?
Báo chí đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để nói về bệnh thành tích trong giáo dục. Căn bệnh mãn tính này đã trở nên trầm trọng đến mức ai cũng biết, nhiều người muốn chống, nhưng rồi ai cũng phải lao theo mà chưa có cách gì gỡ ra được. Nguyên nhân vì sao? Vì trong khi các cơ quan quản lý giáo dục kêu gọi chống bệnh thành tích, thì trong báo cáo tổng kết của các trường bao giờ cũng phải nêu bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu học sinh yếu kém.Trường ít học sinh giỏi không thể được khen thưởng, lớp ít học sinh giỏi thì cô chủ nhiệm bị hạ bậc thi đua. Thế thì chống thành tích làm sao được!
Mặc dù không muốn, nhưng để đạt chỉ tiêu thành tích, các giáo viên đã nghĩ ra không ít cách đối phó. Hầu như những ai có con học tiểu học đều không khỏi bức xúc trong cách dạy văn ngày nay. Để học sinh được điểm cao, các giáo viên cho đề để học sinh làm trước ở nhà, rồi bố mẹ sửa, cô giáo sửa, khi kiểm tra thì chép vào. Kết quả là 9,10 điểm.Thậm chí, có nơi nếu kỳ thi nào mà cả lớp đều bị điểm thấp, giáo viên sẽ cho làm thêm một bài phụ để… cộng điểm. Năm 2011, 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã thỏa thuận nâng điểm thi tốt nghiệp để cố chứng minh rằng tỉ lệ học sinh khá giỏi cao là đúng sự thật. Nếu những con người làm giáo dục tiếp tục ngoan cố bảo vệ cho căn bệnh thành tích này thì sẽ còn những thế hệ học sinh bị đầu độc bởi nó và tất nhiên cái bị thiệt hại nặng nhất vẫn chính là tương lai của đất nước.
Chuyện nuôi “gà nhà” đi thi học sinh giỏi cũng không còn lạ gì nữa. Nhồi một lượng lớn kiến thức của một môn học để “gà nhà” đi thi luôn là “nhiệm vụ bất thành văn” của nhà trường và thầy cô trong các năm học phổ thông. Thậm chí khi không đủ thời gian để học sinh kịp lấy đủ kiến thức thi học sinh giỏi, trường sẵn sàng “mượn” giờ học của những môn “không quan trọng lắm” để bồi dưỡng thêm kiến thức cho gà nhà
Căn bệnh thành tích đã trầm kha đến mức, bây giờ các bậc phụ huynh đã quá quen với việc con cái họ được 9 - 10 điểm, được học sinh giỏi rồi. Thấy con được điểm 8 đã cuống lên. Và không chỉ có ở cấp phổ thông, cấp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ cũng loạn bằng giỏi, bằng đỏ; học không được thì “chạy” xin hay mua.
Bệnh thành tích làm cho học sinh lười học, chủ quan, ỷ lại nên dẫn đến tiêu cực trong thi cử. Và khi tấm bằng là một vật chứng đáng tin cậy, nhà tuyển dụng có thể căn cứ vào đó để thực hiện bước sơ tuyển. Nay đứng trước những tấm bằng không đủ độ tin cậy, họ buộc phải tự mình làm công việc đánh giá ứng viên ngay từ vòng sơ tuyển. Cái mất lớn nhất là uy tín giảm sút của cả hệ thống giáo dục và của từng trường.
Đằng sau mỗi tấm bằng đại học là bao nhiêu hi sinh tiền bạc của người dân, bao nhiêu năm tháng của tuổi trẻ, bao nhiêu công sức của nhà trường. Nay tấm bằng ấy bị nhà tuyển dụng xem như một thứ vô giá trị, có phải là lãng phí biết bao tiền bạc, thời gian, công sức của cả xã hội?Trong trò chơi thành tích này, nhìn bề ngoài tất cả đều thắng, nhưng trong thực tế tất cả đều thua.
Nguyên nhân sâu xa của việc chạy theo thành tích là gì? Là do con người chưa được sử dụng và thăng tiến dựa trên năng lực có thật của họ. Nó làm chậm lại mọi quá trình tiến bộ và phát triển cả về kinh tế và văn hóa. Bí quyết trở nên giàu mạnh của các nước phát triển chính là chế độ sử dụng nhân tài thực chất, tức dùng người và trả công cho họ chỉ dựa trên tiêu chuẩn duy nhất là giá trị sức lao động của họ trong thực tế. Bao giờ chúng ta có một hệ thống lành mạnh như vậy thì bệnh thành tích tự nó không còn còn nữa.
Ngọc Minh