Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng trên 7-8% từ ngày 1.7.2022
Sáng 12.4, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết phía đại diện cho người lao động đặt ra mục tiêu thương lượng và kỳ vọng lương tối thiểu vùng sẽ được tăng ở mức từ trên 7% đến trên 8% từ ngày 1.7.2022.
Ngày 12.4, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp phiên thứ 2 dưới sự chủ trì của ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, để tiếp tục thảo luận, thương lượng về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động tại doanh nghiệp.
Cần tăng lương tối thiểu vùng để cải thiện đời sống của người lao động (trong ảnh: Nữ công nhân lao động trong căn nhà trọ thuộc xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Bảo Hân
Trao đổi với phóng viên trước phiên họp, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho hay, hiện nay, phía đại diện người lao động đang đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng từ trên 7% đến trên 8%. Thời điểm tăng lương tối thiểu từ 1.7.2022.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, hiện nay, kinh tế đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ, trong khi đó, người lao động hết sức khó khăn do tác động của dịch Covid-19 cùng với giá cả leo thang. Lúc này, buộc phải đề xuất tăng lương tối thiểu. Đây là động lực giúp người lao động vượt khó khăn, tích cực đóng góp vào sự phát triển doanh nghiệp, nâng cao sức lao động.
"Việc tăng lương tối thiểu vùng mang lại quyền lợi cho cả 2 bên là chủ sử dụng lao động và người lao động. Thực tế càng lúc khó khăn càng phải an dân, tạo niềm tin cho người lao động", ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có nhiều căn cứ để tăng lương cho người lao động từ 1.7.2022 như:
Căn cứ Điều 91 Bộ luật Lao động 2019: “Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội”.
Căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 19.5.2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, xác định: “Từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia”; “Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người hưởng lương, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội (cung - cầu lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, năng suất lao động, việc làm, thất nghiệp...).
Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội: GDP tăng khoảng 6,0 – 6,5% theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Quốc hội, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng trên 5%.
Căn cứ vào tỷ lệ chi phí lương thực, thực phẩm và phi lương thực, thực phẩm của một số nước trên thế giới tương đồng với Việt Nam.
Cần điều chỉnh mức lương tối thiểu để đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động trong bối cảnh gần 2 năm Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu.
2 năm qua, người lao động đã rất chia sẻ với doanh nghiệp, đồng hành, nỗ lực cùng với doanh nghiệp để vượt qua mọi khó khăn, dịch bệnh, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh. Về phía doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm để bù đắp tiền lương, thu nhập đảm bảo đời sống cho người lao động.
Theo nguồn tin riêng của Báo Lao Động, phía chủ sử dụng lao động đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng. Nếu tăng thì thời điểm tăng từ 1.1.2023.
Tại phiên 2, đại diện người lao động và đại diện chủ sử dụng lao động sẽ đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng.
(Theo QUẾ CHI – ANH THƯ/LĐO)