Hiệu quả từ các vườn cây ăn trái ở Hoài Ân
Giai đoạn 2016 - 2020, chính quyền các cấp huyện Hoài Ân tập trung vào đầu tư, động viên người dân mở rộng diện tích trồng cây ăn trái. Nhờ đó từ chỗ gần như không có vườn cây ăn trái, đến nay huyện đã có tới 1.268 ha, trong đó có 1.243 ha đất thuộc quy hoạch ngoài lâm nghiệp; 25,5 ha đất sản xuất lâm nghiệp kém hiệu quả chuyển trồng bưởi da xanh, dừa xiêm, mít thái, cam, quýt, bơ, ổi…
Chị Võ Thúy Loan, chủ một vườn cây ăn trái tại xã Ân Thạnh, giới thiệu: Gia đình tôi đầu tư trồng bưởi kết hợp với ổi cao sản trên 10 sào đất đồi. Chỉ sau hơn 1 năm, ổi đã cho thu hoạch, được 120 triệu đồng/mùa. Ổi cao sản khi đến tuổi thu hoạch sẽ cho trái quanh năm. Xen canh như thế giúp tôi có thu nhập để vừa trang trải chi tiêu trước mắt, vừa có tiền đầu tư cho vườn bưởi. Thu nhập từ vườn bưởi mới là thu nhập chính.
Hoài Ân từng bước hình thành các vườn trồng cây ăn trái tập trung, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi và phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương. Ảnh: Q.BẢO
Tương tự, sau khi cải tạo và chuyển đổi khu vườn tạp, khu đất trồng keo sang trồng cây ăn trái, mỗi năm gia đình anh Trần Đức Việt, ở thôn Ân Hòa, xã Ân Phong thu về hơn 200 triệu đồng. “Trồng cây ăn trái lợi hơn trồng rừng sản xuất nhiều. Tuy nhiên cái khó là khi bắt đầu, vườn cây ăn trái đòi hỏi vốn đầu tư lớn hơn. Cùng với đó mình phải chịu khó học và áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất. May mắn của chúng tôi trong quá trình chuyển đổi đều có sự hỗ trợ của cán bộ nông nghiệp từ huyện đến xã”, anh Việt chia sẻ.
Trong lộ trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Hoài Ân giai đoạn 2021 - 2025, huyện trung du này tập trung vào phát triển cây ăn trái chủ lực; quy hoạch vùng trồng đảm bảo quy mô hàng hóa, ứng dụng KHKT, công nghệ vào sản xuất gia tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.
Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, trong năm 2022, huyện tập trung vào xây dựng các mô hình thâm canh cây ăn trái hợp chuẩn VietGAP; phối hợp tổ chức các mô hình, các buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm…
Ước tính 1 ha đất rừng sản xuất kém hiệu quả nếu chuyển sang trồng cây ăn trái thì sẽ cho thu hoạch từ năm thứ 3 trở đi và lợi nhuận mỗi năm đạt khoảng 170 triệu đồng. Khác với trồng rừng sản xuất, vòng đời phát sinh lợi ích tối đa của cây ăn trái kéo dài khoảng 20 năm hoặc hơn tùy vào kỹ thuật chăm sóc, thâm canh. Hơn nữa, trong 5 năm đầu, các hộ dân có thể kết hợp xen canh nhiều loại cây để tăng thu nhập như ổi xen bưởi, đậu phụng xen bưởi…; kết hợp canh tác đa tầng trên cùng diện tích sản xuất cây ăn trái. Ngoài ra, còn các lợi ích kéo theo như phục vụ du lịch, tạo thêm việc làm và chuỗi sản phẩm sau thu hoạch phong phú hơn nhiều.
QUANG BẢO