Trung tâm khuyến nông tỉnh: Chuyển giao kỹ thuật và công nghệ mới trong nuôi tôm
Trong năm 2022, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) tích cực triển khai các mô hình nuôi thủy sản áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới, giúp người dân giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế.
Với sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông, vụ nuôi tôm năm 2022, lần đầu tiên ông Thái Duyên Hạnh, ở thôn Ngãi An, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát chuyển sang nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi-Biofloc thâm canh trên diện tích 1.500 m2 ao nuôi. Theo công nghệ Semi-Biofloc, việc nuôi tôm chia làm 2 giai đoạn, gồm ương tôm giống và nuôi tôm thịt thương phẩm. Điểm quan trọng là phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật trong xử lý ao, vệ sinh ao nuôi ngay từ lúc xuống giống; duy trì tạo khối floc để tạo nguồn dinh dưỡng cho tôm và hạn chế ô nhiễm (công nghệ Semi - Biofloc hạn chế được việc nước bốc hơi nhờ áp dụng nhà màng che và thay nước định kỳ…).
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh áp dụng công nghệ Semi-Biofloc của ông Thái Duyên Hạnh ở Cát Khánh, Phù Cát.
- Trong ảnh: Chuyển tôm từ ao ương sang ao nuôi. Ảnh: THU DỊU
“Trong quá trình thí điểm, cán bộ khuyến nông đứng chân địa bàn theo sát diễn biến và hỗ trợ nên chúng tôi rất an tâm. Sau 28 ngày ở ao ương, đầu tháng 4 vừa rồi tôi chuyển tôm sang ao nuôi, lắp đặt hệ thống xử lý nước, máy trộn thức ăn và thực hiện ủ mật rỉ đường tạo khối floc”, ông Hạnh cho biết.
Tùy theo đặc điểm của từng khu vực, điều kiện kinh tế của các gia đình, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các địa phương chuyển giao các kỹ thuật phù hợp - thâm canh hoặc bán thâm canh. Theo đó, Trung tâm xây dựng 3 mô hình nuôi tôm bằng công nghệ Semi-Biofloc ở Phù Cát, Phù Mỹ và Hoài Nhơn; chuyển giao các kỹ thuật nuôi tổng hợp, xen canh các loại tôm, cua, cá cho các vùng gần đầm dọc khu Đông Tuy Phước - Phù Cát, Phù Mỹ.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, hết quý I/2022, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh là 1.397 ha, tăng 2,9% so với cùng kỳ, trong đó diện tích tôm thẻ chân trắng đạt 325,6 ha, tăng 14,1% so với cùng kỳ; hoạt động sản xuất ương tôm hùm giống, nuôi tôm hùm thương phẩm và nuôi cá lồng biển vẫn được người dân duy trì ổn định.
Tận dụng ưu thế của tự nhiên là vùng nước đầm Đề Gi và hệ thống cây rừng ngập mặn, ông Lê Kim Đông, ở thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát đưa toàn bộ 14.000 m2 mặt nước của gia đình vào nuôi các loại thủy sản nước lợ như cua xanh, tôm sú, cá chua. Ông Đông cho hay: “Nuôi thủy sản dưới tán rừng ngập mặn vừa giữ được rừng vừa đảm bảo được nơi trú ẩn cho các loại thủy sản sinh sôi, phát triển; giảm chi phí thức ăn, khai thác được thức ăn tự nhiên. Trong quá trình nuôi, chúng tôi duy trì liên hệ chặt chẽ với cán bộ kỹ thuật nông nghiệp địa phương, tỉnh để trao đổi thông tin, xử lý các tình huống bất cập. Kỹ thuật nuôi kết hợp tôm, cua, cá không khó, chủ yếu là phải tuân thủ mật độ thả, thời gian thả để đảm bảo cho sự phát triển của các loại. Nuôi theo hướng tổng hợp gắn với bảo vệ rừng này giống mô hình nuôi sinh thái, phải duy trì được hệ thống rừng ngập mặn để đảm bảo cho các loại tôm cá sinh trưởng; xử lý độ mặn trong nước trước và sau khi thả để ổn định…”.
Theo kế hoạch khuyến nông năm 2022, Trung tâm triển khai 4 mô hình nuôi trồng thủy sản, trong đó tùy thuộc vào đặc trưng của từng vùng để xây dựng mô hình phù hợp. Ở mỗi mô hình, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các địa phương thuê thêm cán bộ kỹ thuật đứng chân trực tiếp, hỗ trợ người dân trong việc thực hiện. Đồng thời, cán bộ đứng chân mô hình nắm bắt thông tin kịp thời báo cáo tình huống phát sinh để kịp thời xử lý.
Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, cho biết: “Các mô hình khuyến nông xây dựng nhằm mục đích chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT và công nghệ trong nuôi thủy sản. Với Bình Định, trong nuôi thủy sản thì nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm là chủ lực. Do đó, cùng với việc duy trì các mô hình phù hợp, Trung tâm chú trọng vào chuyển giao kỹ thuật mới cho người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, từng bước đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 sẽ có 30% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh áp dụng công nghệ cao Semi-Biofloc, Biofloc…”.
THU DỊU