Lầu Năm Góc: Nga và Trung Quốc đang phát triển vũ khí chống vệ tinh của Mỹ
Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ cho rằng, Trung Quốc và Nga đang phát triển và triển khai các vũ khí có thể tấn công vệ tinh của Mỹ, đồng thời tiếp tục mở rộng đội phương tiện tình báo, giám sát và trinh sát không gian của riêng mình.
Bản báo cáo cập nhật do Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) công bố ngày 12.4 chủ yếu dựa vào thông tin truyền thông và tuyên bố của các quan chức Nga cũng như Trung Quốc. Tuy nhiên, việc tổng kết các mối đe dọa từ đối thủ rất hữu ích cho việc định hướng các khoản đầu tư trong đề xuất ngân sách tài khóa 2023 của Lầu Năm Góc, đặc biệt là ngân sách cho Lực lượng Không gian và Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ.
Ảnh minh họa: Shutterstock
“Trung Quốc có nhiều vũ khí laser triển khai trên mặt đất với mức độ uy lực khác nhau nhằm làm gián đoạn hoặc gây tổn hại cho các vệ tinh. Khoảng giữa đến cuối thập kỷ này, Trung Quốc có thể vận hành các hệ thống mạnh hơn”, Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ cho biết.
Theo báo cáo, đội vệ tinh tình báo, giám sát và trinh sát (IRS) của Trung Quốc đang tiếp tục được mở rộng. Tính đến tháng 1.2022, Trung Quốc có hơn 250 hệ thống, “số lượng nhiều thứ hai chỉ sau Mỹ và gần gấp đôi số lượng hệ thống trên quỹ đạo của Trung Quốc kể từ năm 2018”. Phần lớn trong số này có thể hỗ trợ giám sát, theo dõi và nhắm mục tiêu vào các lực lượng Mỹ và đồng minh trên khắp thế giới, đặc biệt ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các vệ tinh này cũng cho phép Trung Quốc giám sát các điểm nóng khu vực tiềm tàng, trong đó có Bán đảo Triều Tiên, Đài Loan, Ấn Độ Dương và Biển Đông.
Trong khi đó, Nga cũng đang theo đuổi các hệ thống nhằm vô hiệu hóa hoặc gián đoạn các dịch vụ triển khai từ không gian của Mỹ. Moscow có khả năng sẽ vận hành các laser có năng lực phá hủy vệ tinh uy lực hơn vào giữa đến cuối thập kỷ này.
Báo cáo của DIA cũng cho rằng, Nga hiện đã có một số hệ thống laser triển khai trên mặt đất, có thể “chọc mù” cảm biến vệ tinh, bao gồm 1 hệ thống đã được bàn giao cho lực lượng hàng không vũ trụ năm 2018. Đến năm 2030, Nga có thể vận hành các hệ thống uy lực hơn nhằm gia tăng mối đe dọa đối với cấu trúc của tất cả các vệ tinh, chứ không chỉ các cảm biến quang-điện.
Theo Hoàng Phạm (VOV.VN)