NHÂN NGÀY SỞ HỮU TRÍ TUỆ THẾ GIỚI (26.4):
Sở hữu trí tuệ có vai trò rất quan trọng với doanh nghiệp
Sở hữu trí tuệ có vai trò rất quan trọng đối với các DN sản xuất, DN công nghệ. Để tăng sức cạnh tranh, xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình là điều bắt buộc đối với các DN. Nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26.4), phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN xung quanh vấn đề này.
Ông LÊ CÔNG NHƯỜNG. Ảnh: A.N
*Ông có thể chia sẻ đôi nét về thông điệp nhân kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2022?
- Ngày sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới năm 2022 với thông điệp “SHTT và Thế hệ trẻ đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn” được hiểu là cơ hội để người trẻ tìm hiểu cách thức mà quyền SHTT có thể hỗ trợ, giúp họ biến ý tưởng của mình thành hiện thực, tạo thu nhập, việc làm và tác động tích cực đến thế giới xung quanh. Bên cạnh đó, đây là dịp để những người trẻ tuổi có thể hiểu rõ hơn về những công cụ được hệ thống pháp luật về quyền SHTT (nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả, sáng chế, giống cây trồng, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh…) tạo ra, nhằm cung cấp cho chủ sở hữu quyền một loạt phương án quản lý thành quả đổi mới, trí thức và quyền sáng tạo của họ.
Chính sự sáng tạo và khéo léo của người trẻ tuổi ở mọi khu vực đang thúc đẩy sự thay đổi, tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn. Ngày SHTT thế giới năm 2022 vinh danh thế hệ những người tạo ra sự thay đổi thú vị đó.
* Được biết, thời gian qua có khá nhiều DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp trong tỉnh quan tâm đến xác lập quyền SHTT…
- Đúng vậy. Các DN đã quan tâm hơn đến đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bảo vệ quyền SHTT; tận dụng ưu thế có được từ quyền SHTT biến thành lợi thế cạnh tranh. Đến nay, trong tỉnh đã có 2 bằng độc quyền sáng chế, 3 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, 49 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 1.105 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thông thường được Cục SHTT cấp. Một số DN quan tâm đến bảo hộ quyền SHTT và sớm khẳng định được vị trí thương hiệu của mình như: HTXNN Ngọc An, cơ sở Trà Dung Cazin, bánh cốm và kẹo Phong Nga, Công ty TNHH Sachi Nguyễn, Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng T.M.N…
Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng cho thấy, DN mới thường tập trung vào hình thành DN, kêu gọi vốn đầu tư mà chưa nghĩ đến hoặc còn thờ ơ với việc bảo hộ quyền SHTT các tài sản trí tuệ của mình hoặc ngại đăng ký vì nhiều lý do, trong đó có sự thiếu hiểu biết về kiến thức bảo hộ quyền SHTT. Do đó, thời gian tới, Sở KH&CN sẽ phối hợp với đơn vị chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho xã hội về SHTT, đổi mới sáng tạo là hết sức quan trọng, đặc biệt là DN khởi nghiệp.
* Việt Nam đang hội nhập kinh tế mạnh mẽ với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Để tiến ra thế giới, cạnh tranh cùng DN nước ngoài, DN trong tỉnh phải làm gì trong thực thi quyền SHTT?
- Các hiệp định thương mại tự do được ký kết cùng làn sóng DN nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam đã tạo nên sức ép cạnh tranh quyết liệt không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ, mà ngay cả nền sản xuất nội địa đối với các DN trong nước (trong đó có Bình Định). Đây vừa là thách thức, vừa là “cơ hội” cho các DN và cá nhân xâm phạm quyền SHTT. Vì vậy, các DN đòi hỏi phải tự nâng cao năng lực và ý thức bảo hộ SHTT cho chính DN của mình và thích ứng với môi trường cạnh tranh, nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0.
Bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Phó Giám đốc Sở KH&CN trao quyết định cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Vải thổ cẩm Hà Văn Trên” (huyện Vân Canh) cho đại diện chủ sở hữu. Ảnh: A.N
* Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm địa phương được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp không khai thác hết giá trị từ các bảo hộ này mang lại…
- Đến nay, đã có 43 sản phẩm đặc trưng của tỉnh được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận gắn với địa danh của địa phương (19 nhãn hiệu chứng nhận và 24 nhãn hiệu tập thể). Thế nhưng, hiện nay, số nhãn hiệu phát huy tốt giá trị như: Chả cá Quy Nhơn, nem chả chợ Huyện, mật ong rừng An Lão…; còn lại chưa được quan tâm đúng mức và phát triển một cách hiệu quả, nên hiệu quả mang lại chưa cao.
Tới đây, Sở KH&CN sẽ phối hợp với các DN, chính quyền các địa phương đánh giá thực trạng, xác định sản phẩm chủ lực nằm trong chủ trương bảo tồn, phát triển, đưa các tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm phục tráng, phát triển tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, chú trọng công tác xây dựng, ban hành hệ thống quản lý và phát triển nhãn hiệu đã được bảo hộ phù hợp với mô hình thực tế của địa phương. Thông qua việc triển khai các chiến lược nhằm quảng bá hình ảnh sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng tem, nhãn gắn trên sản phẩm để đưa ra thị trường. Nghiên cứu, xây dựng mô hình kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, gắn sự tham gia của người dân, DN vào hoạt động phát triển thương hiệu, tạo chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)