ASISOV và những công trình có tính ứng dụng cao
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ASISOV, thuộc Bộ NN&PTNT) chú trọng nghiên cứu khoa học, tập trung vào những vấn đề có tính thực tế, giàu chất ứng dụng và tích cực chuyển giao kết quả nghiên cứu, tiến bộ KHKT vào sản xuất.
Tiến sĩ Hồ Huy Cường, Viện trưởng ASISOV, cho biết: ASISOV đã nghiên cứu chọn tạo và phát triển nhiều giống lúa mới triển vọng như BĐR27, BĐR57, BĐR17, BĐR999, BĐR36 và An Sinh 1399 (ANS1); trong đó, An Sinh 1399 và BĐR27 nằm trong cơ cấu giống lúa chủ lực của tỉnh Bình Định. ASISOV cũng nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống đậu phụng mới LDH09.
Như giống lúa An Sinh 1399 ngắn ngày, năng suất trung bình trong 2 vụ chính đạt từ 66,5 - 73,5 tạ/ha, cao hơn năng suất bình quân đại trà từ 2,9 - 4,4%. Trong khi đó, giống đậu phụng LDH09 được khảo nghiệm và sản xuất thử ở xã Cát Hải (huyện Phù Cát) vào năm 2016; đến nay, giống đậu phụng này được trồng ở nhiều địa phương khác của tỉnh (khoảng 400 ha/năm), năng suất tươi bình quân đạt từ 8 - 10 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha. Trong năm 2021, ASISOV đã công bố lưu hành giống đậu phụng LDH09 tại các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ; quy mô áp dụng trung bình 1.000 ha/năm.
Mô hình trình diễn giống đậu phụng LDH09 do ASISOV chọn tạo. Ảnh: ASISOV
Năm 2021, ASISOV được Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) công nhận 3 quy trình canh tác lúa, gồm: Quy trình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến cho vùng Bắc Trung bộ; quy trình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến cho các tỉnh phía Bắc vùng Nam Trung bộ và quy trình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến cho các tỉnh phía Nam vùng Nam Trung bộ.
Tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XII (2020 - 2021), ASISOV đạt 2 giải thưởng. Trong đó, giải pháp “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa mới An Sinh 1399 ngắn ngày, phù hợp cơ cấu sản xuất và thích nghi với biến đổi khí hậu tại Bình Định” của Th.S Tạ Thị Huy Phú, cùng nhóm cộng sự đạt giải nhất. Giải pháp “Giống đậu phụng mới LDH09 có khả năng chịu mặn, kháng bệnh héo xanh, phù hợp trên đất cát ven biển tại Bình Định” của Th.S Trương Thị Thuận và nhóm cộng sự đạt giải nhì. Từ kết quả đạt được, ASISOV đã thực hiện nhiều hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ như: Cung ứng cho sản xuất hơn 1.250 tấn giống lúa các cấp, hơn 3 tấn giống đậu phụng, hơn 5.000 cây ăn quả các loại…
Tiến sĩ Hồ Huy Cường cho biết thêm: Trong năm 2022, ASISOV tiếp tục phát triển các giống cây trồng mới, trong đó có chọn tạo các giống lúa mới có năng suất, chống chịu sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường phân khúc của tỉnh (chất lượng và chế biến); chọn tạo giống đậu phụng phục vụ chế biến, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Nghiên cứu, nhận diện các sản phẩm có triển vọng (giống và quy trình công nghệ) để công nhận và phát triển ra sản xuất. Tăng cường tìm kiếm các nhiệm vụ KH&CN ở các địa phương trong vùng và các Bộ, ngành Trung ương…
AN NHIÊN