Chủ động giải quyết kịp thời các vụ khiếu nại, tố cáo
Chủ động giải quyết kịp thời, đúng pháp luật là yêu cầu quan trọng để hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Cố tình dây dưa, kéo dài
Theo đánh giá của UBND tỉnh, có đến 75% nội dung khiếu nại, tố cáo (KNTC) liên quan đến lĩnh vực đất đai, thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư. Đáng chú ý, tuy tỷ lệ giải quyết đạt cao (khoảng 96%), nhưng có những vụ việc dù đã được giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật, không có tình tiết mới nhưng công dân không chấp hành, tiếp tục khiếu nại.
Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam nêu thực trạng: “Hiện nay, trong nhiều vụ việc, quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật nhưng vẫn được các cơ quan Trung ương xem xét lại khi người dân gửi đơn khiếu nại tiếp; nhiều cơ quan không có thẩm quyền giải quyết cũng nhận đơn rồi chuyển đơn nên người khiếu nại gửi đơn nhiều nơi. Chưa kể, một số cá nhân cho rằng cấp cao hơn sẽ giải quyết đúng nguyện vọng hơn nên cứ gửi đơn dẫn đến việc khiếu nại không có điểm dừng”.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long (bìa trái) trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và đưa ra cách giải quyết vừa hợp tình vừa đúng quy định pháp luật đối với hộ ông Trần Minh, xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn. Ảnh: K.A
Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Nguyễn Hồng Vinh nhìn nhận: “Vì chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của người tham gia KNTC nên dẫn đến việc một số công dân lợi dụng quyền KNTC để khiếu kiện vượt cấp, có hành vi lôi kéo để gây sức ép, gửi đơn đến cả những cơ quan không có trách nhiệm xem xét, giải quyết”.
Còn Chánh án TAND tỉnh Lê Văn Thường cho biết: “Một số địa phương và các cơ quan liên quan chưa chủ động trong việc cung cấp chứng cứ, trả lời kết quả ủy thác trong việc giải quyết án dân sự, hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai. Chưa kể, bị đơn cố tình không chịu khai báo, nhân chứng không đến tòa cung cấp lời khai vì một số địa phương chưa quan tâm, hỗ trợ tòa trong việc tống đạt các văn bản tố tụng”.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách, pháp luật còn có một số quy định bất cập, có điểm chưa phù hợp với tình hình thực tế, nhất là chính sách đất đai, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trách nhiệm, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC ở một số ngành, địa phương còn hạn chế.
Dân chủ đi đôi với kỷ cương pháp luật
Mới đây, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức giám sát “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết KNTC từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021”. Tại các buổi giám sát, nhiều đại biểu đưa ra những giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc KNTC kéo dài.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, quá trình giải quyết các vụ việc cần tăng cường đối thoại công khai, dân chủ, tôn trọng, lắng nghe các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của công dân; vận dụng linh hoạt, phù hợp các chính sách, pháp luật để bảo đảm giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư. “Quá trình chỉ đạo công tác giải quyết KNTC cần thực hiện tốt phương châm dân chủ đi đôi với kỷ cương pháp luật; có hình thức xử lý nghiêm những phần tử quá khích, lợi dụng dân chủ, quyền KNTC để gây rối trật tự công cộng, cản trở, chống đối, xúc phạm người thi hành công vụ, tổ chức cho người khác khiếu kiện trái pháp luật”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói.
Toàn tỉnh hiện có 210 cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân. Để đáp ứng yêu cầu thực tế, Phó Giám đốc CA tỉnh Huỳnh Bảo Nguyên cho rằng cần chuẩn hóa đội ngũ làm công tác tiếp nhận, giải quyết KNTC. Riêng, việc đảm bảo ANTT, lãnh đạo CA tỉnh cũng đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, CA các huyện, thị xã, thành phố nắm chắc tình hình và phân hóa đối tượng cầm đầu, xúi giục, kích động người khiếu nại gây mất trật tự công cộng để có biện pháp xử lý hữu hiệu”.
Thành lập Tổ công tác tham mưu giải quyết các vụ việc khiếu nại phức tạp
Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác tham mưu giải quyết các vụ việc khiếu nại, kiến nghị phức tạp, đông người, dư luận xã hội quan tâm thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh. Theo đó, Tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát hồ sơ các vụ việc khiếu nại, kiến nghị phức tạp của công dân, dư luận xã hội quan tâm (nhất là trên lĩnh vực đất đai, chính sách bồi thường, hỗ trợ); thống nhất phương án giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, báo cáo đề xuất trước 3 ngày để Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, tổ chức đối thoại và giải quyết, trả lời cho công dân tại kỳ tiếp công dân hằng tháng theo quy định.
Tổ công tác có 10 thành viên, là đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, Ban Tiếp công dân tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và giải phóng mặt bằng của dự án có liên quan đến khiếu nại của công dân.
KIỀU ANH