Vân Phong sẽ là trung tâm du lịch, giải trí cao cấp
Khu kinh tế Vân Phong được định hướng là trung tâm dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp, có sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại.
Ngày 13.4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Vân Phong được kỳ vọng trở thành trung tâm kinh tế năng động, phát triển ngành nghề mới, trình độ cao. Trong đó, ngành dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí ở Vân Phong "sẽ có thương hiệu, chất lượng cao và khả năng cạnh tranh quốc tế".
Mô hình đề xuất phát triển du lịch, dịch vụ, văn hoá cao cấp là ưu tiên các hoạt động hội thảo, hội chợ triển lãm, dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp có casino, trung tâm giải trí, tổ chức các sự kiện văn hóa, khoa học. Dịch vụ hiện đại phát triển theo hướng kinh doanh cảng hàng không, cảng biển, dịch vụ tài chính, thương mại điện tử, hỗ trợ khách hàng và các ngành dịch vụ gắn kết với hoạt động du lịch...
Chính phủ mong muốn xây dựng Khu kinh tế Vân Phong theo hướng phát triển thân thiện môi trường, khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư, quy tụ nguồn lực sáng tạo với phương thức quản lý mới, tiên tiến; nuôi dưỡng động lực mới cho phát triển.
Nơi đây cũng được định hướng là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Kinh tế biển sẽ là nền tảng có cảng trung chuyển container quốc tế; dịch vụ logistic, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng.
Năm 2050, Vân Phong sẽ "là khu vực đáng sống", người dân có mức sống cao và hạnh phúc.
Một góc Khu kinh tế Vân Phong nhìn từ trên cao. Ảnh: An Phước
Theo quy hoạch, các khu vực dịch vụ du lịch và đô thị du lịch sinh thái biển bao gồm phía Nam bán đảo Hòn Gốm và đảo Hòn Lớn, khu du lịch đảo Điệp Sơn, khu đô thị du lịch Tuần Lễ - Hòn Ngang - Mũi Đá Son, Đại Lãnh, Dốc Lết, Đông Nam Ninh Phước.
Khu sinh thái nông - lâm nghiệp và ngập mặn ở phía Tây đường sắt quốc gia Bắc - Nam, khu vực Lạc An. Rừng ngập mặn sẽ được trồng để tôn tạo cảnh quan và nâng cao giá trị sinh thái của các khu vực ngập mặn ven biển; trồng rừng, tôn tạo cảnh quan trên các khu vực núi thuộc chân dãy núi Hoa Sơn, bán đảo Hòn Gốm, đảo Hòn Lớn, núi Hòn Hèo, núi Ổ Gà...
Trung tâm bán đảo Hòn Gốm sẽ gắn với cảng trung chuyển quốc tế, dịch vụ và công nghiệp logistic, cảng du lịch. Các trung tâm công nghiệp, khu công nghiệp gồm Vạn Thắng, Dốc Đá Trắng, Ninh Thủy, Vạn Lương.
Các khu đô thị đa chức năng gồm Vĩnh Yên, Nam Tu Bông đến đèo Cổ Mã, khu vực Đại Lãnh, thị trấn Vạn Giã và vùng phụ cận, trung tâm thị xã Ninh Hòa, Dốc Lết và vùng phụ cận, Đông Bắc Ninh Hòa và Xóm Quán.
Khu kinh tế Vân Phong được thành lập từ năm 2006, với diện tích 150.000 ha, trong đó 70.000 ha mặt đất và 80.000 ha mặt nước. Vân Phong nằm trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Bắc Vân Phong) và thị xã Ninh Hòa (Nam Vân Phong), tỉnh Khánh Hòa. Dân số Vân Phong hiện có 240.000 người; năm 2030 dự kiến khoảng 350.000 đến 380.000 người. Năm 2040, dân số tối đa hơn nửa triệu người.
Từ năm 2014, Vân Phong được định hướng là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm cảng trung chuyển container quốc tế; công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo; phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản. Như vậy, đến nay một số định hướng phát triển khu kinh tế đã được điều chỉnh.
Tháng 10.2017, Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến, trong đó đề xuất xây dựng đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà), Phú Quốc (Kiên Giang). Tuy nhiên, tại kỳ họp tháng 6.2018, Quốc hội biểu quyết ý lùi dự án Luật này.
Theo Viết Tuân (VnE)