Trống đồng Cảnh Thịnh
Nếu có dịp tham quan Bảo tàng lịch sử TP Hồ Chí Minh (phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh), bạn nên dành thời gian chiêm ngưỡng những hiện vật liên quan đến vương triều Tây Sơn; trong đó, xin đừng quên chiếc trống đồng Cảnh Thịnh (ảnh, hiện vật phục chế theo nguyên bản hiện đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia, Hà Nội).
Trống đồng Cảnh Thịnh được đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ 8 (năm 1800) dưới thời vua Nguyễn Quang Toản triều đại Tây Sơn. Trống đúc tại xã Phù Ninh, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn (nay thuộc huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) mô phỏng theo kiểu trống da; đúc theo kỹ thuật khuôn sáp, nặng 32 kg, cao 37,4 cm, đường kính 49 cm. Trống đồng Cảnh Thịnh có mặt trống cong vồng hình chỏm cầu, tâm mặt trống đúc nổi hình vòng tròn kép. Thân trống hình trụ, phình nhẹ ở giữa và được chia thành ba phần tương đối đều nhau, ngăn cách bằng hai đường gờ nổi.
Trống có 4 quai, xung quanh thân trống đúc nổi hoa văn với các hình tượng như: Lá đề, tứ linh (long, lân, quy, phụng), thần quy chở lạc thư, long mã cõng hà đồ, hồi văn hình chữ “T”… Đặc biệt, trên thân trống có bài văn khắc bằng chữ Hán nói về bà Nguyễn Thị Lộc, vợ của Tổng Thái giám Giao quận công, vào năm Vĩnh Hựu thứ 2 đời vua Lê Ý Tông (năm 1736) đã góp công đức lập chùa Linh Ứng (TP Hà Nội).
Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn từ năm 1778 - 1802, nhưng vương triều Tây Sơn đã để lại cho hậu thế những di sản văn hóa đặc sắc, những kiệt tác nghệ thuật độc đáo phản ánh trình độ tư duy, sáng tạo nghệ thuật mang giá trị nhân sinh, nhân văn dưới thời Tây Sơn, mà tiêu biểu là chiếc trống đồng Cảnh Thịnh. Ngoài những giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc, trống đồng Cảnh Thịnh còn cho thấy sự bảo tồn truyền thống đúc và sử dụng trống đồng - một biểu tượng linh thiêng của người Việt cổ hàng ngàn năm trước đó.
BẢO MINH