Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh: Tích cực tập luyện để tham dự liên hoan toàn quốc
Hai đoàn nghệ thuật của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh là Ðoàn tuồng Ðào Tấn và Ðoàn ca kịch bài chòi Bình Ðịnh đang tích cực tập luyện các vở diễn để tham dự Liên hoan nghệ thuật tuồng và dân ca kịch toàn quốc - 2022 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VH&TT tỉnh Nghệ An tổ chức vào tháng 5.2022 tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An.
Theo ông Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Liên hoan nghệ thuật tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2022 dự kiến tổ chức từ ngày 16 - 28.5. Nhà hát đã triển khai cho Đoàn tuồng Đào Tấn tập luyện vở tuồng Vua thánh triều Lê (kịch bản: Lê Duy Hạnh), Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định tập vở bài chòi Cô thần (kịch bản: Văn Trọng Hùng) để tham gia liên hoan. Hai vở diễn này được dàn dựng mới trong năm 2020, 2021, giờ được nâng cao kỹ thuật biểu diễn, kết cấu vở, thời lượng vở theo quy định để tham gia liên hoan.
Đoàn tuồng Đào Tấn đang tập luyện vở tuồng Vua thánh triều Lê. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Từ cuối tháng 3 đến nay, Đoàn tuồng Đào Tấn đã tất bật tập luyện. NSƯT Đào Trung Nghĩa, Trưởng Đoàn tuồng Đào Tấn, cho biết: “Đến nay, việc tập luyện cơ bản hoàn tất, tối 13.4 chúng tôi diễn sơ duyệt để các NSND, NSƯT xem, góp ý chỉnh sửa thêm. Tối 20.4, Đoàn sẽ diễn báo cáo tổng duyệt cho Hội đồng nghệ thuật Sở VH&TT, rồi cận ngày tham gia liên hoan sẽ tập lại một đợt nữa”.
Nội dung vở tuồng Vua thánh triều Lê ca ngợi việc Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi trong vụ án Lệ Chi viên, đồng thời ghi nhận công lao to lớn của Nguyễn Trãi với vương triều và dân tộc. Đảm nhận vai chính vua Lê Thánh Tông, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thái Phiên tâm tình: “Lần đầu tiên tôi được giao vai chính để diễn trong liên hoan sân khấu toàn quốc, nhưng lại bị ảnh hưởng bởi hội chứng hậu Covid-19 nên sức khỏe giảm sút, ảnh hưởng đến việc tập luyện. Dù vậy, tôi cố gắng tập thể dục, ăn uống điều độ, uống thuốc để mau hồi phục sức khỏe, diễn tốt vai được giao”.
Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định cũng đã có kế hoạch tập luyện vở bài chòi Cô thần tham gia liên hoan. NSƯT Huỳnh Thị Kim Châu, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh - Trưởng Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định, cho biết: “Dù đây là vở đã dàn dựng, đã diễn rồi nhưng do được nâng cao về kỹ thuật và cả kết cấu vở để dự liên hoan nên chúng tôi phải tập trung rất cao. Ngày 21.4, chúng tôi bắt đầu tập luyện vở bài chòi này, chậm nhất đến ngày 28 - 29.4 sẽ diễn báo cáo tổng duyệt và chuẩn bị tham gia liên hoan”.
Vở bài chòi Cô thần nêu gương sáng lòng trung quân của Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ - vị quân sư đã giúp vua Quang Trung xây dựng vương triều Tây Sơn thịnh trị. Khi triều Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh lên ngôi vua đã chiêu dụ Trần Văn Kỷ phục vụ triều Nguyễn, nhưng ông cương quyết từ chối và tự vẫn để giữ trọn khí tiết trung quân với vua Quang Trung và triều Tây Sơn.
Là người đảm nhận vai chính Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ trong vở diễn, nghệ sĩ Nguyễn Phương Phú chia sẻ: “Dù đã nhiều lần được diễn vai chính trong các vở diễn tham dự các đợt liên hoan trước, nhưng tôi cũng phải tập luyện kỹ càng để diễn tròn vai cho đợt liên hoan lần này, nhất là phải giữ gìn sức khỏe cho thật tốt”.
Ông Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, chia sẻ thêm: Liên hoan được tổ chức 3 năm/lần. Đây là dịp để các nghệ sĩ của Nhà hát có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong nghề với các đoàn nghệ thuật truyền thống trong cả nước. Qua đó, Bộ VH-TT&DL cũng đánh giá lại chất lượng hoạt động của các đoàn nghệ thuật để định hướng và phát triển sân khấu nghệ thuật tuồng, bài chòi. Do đó, mọi khâu liên quan được chúng tôi chuẩn bị kỹ lưỡng; đặc biệt phân công diễn viên, nhạc công 2 đoàn nghệ thuật của Nhà hát hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình tập luyện, biểu diễn tại liên hoan để mang lại thành công.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN