Hoài Ân nâng tầm sản phẩm nông nghiệp địa phương
Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Hoài Ân chú trọng công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch vùng sản xuất theo quy mô hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu và quảng bá cho sản phẩm nông nghiệp. Ðến nay, Hoài Ân là địa phương đi đầu trong tỉnh trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng bền vững. Phóng viên Báo Bình Ðịnh có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, xung quanh vấn đề này.
● Thưa ông, với Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực huyện Hoài Ân giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu hướng đến của Hoài Ân cụ thể là gì?
- Với Hoài Ân, sản xuất nông nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH. Những năm gần đây, hoạt động sản xuất nông nghiệp được tập trung phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất và chất lượng, tìm ra được những thế mạnh nhằm đầu tư đúng hướng, từng bước có kết quả tích cực. Hiện, Hoài Ân bắt đầu hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái hợp chuẩn VietGAP, vùng sản xuất lúa gạo hữu cơ, vùng chăn nuôi an toàn sinh học với hệ thống các trang trại, gia trại quy mô lớn…
Quả bưởi trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Hoài Ân.
- Trong ảnh: Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của huyện hướng dẫn người dân chăm sóc vườn bưởi. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Bên cạnh kết quả đó, trong quá trình quản lý, ngành chức năng địa phương nhận ra những điểm yếu trong sản xuất nông nghiệp, đó là quy mô còn manh mún, khâu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ còn yếu và thiếu, đầu ra không ổn định gây khó cho phát triển. Từ thực tế đó, trong lộ trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, chúng tôi tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và phát triển nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực nhằm xác định sản phẩm đặc thù có thế mạnh của huyện để đăng ký bảo hộ, quản lý sử dụng nhãn hiệu và nâng tính cạnh tranh cho nông sản của địa phương.
Là nhà quản lý, chúng tôi luôn suy nghĩ phải tạo ra được giá trị bền vững để người dân tin tưởng và làm theo. Chẳng hạn, về cây bưởi, lâu nay nói đến bưởi da xanh là nhắc tới các địa danh ở miền Tây, nhưng nay nó còn gắn với địa danh Hoài Ân. Chúng tôi đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Bưởi Hoài Ân” với đầy đủ thông tin về truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Toàn huyện hình thành được vùng chuyên canh bưởi hợp chuẩn VietGAP với quy mô 35 ha. Số này giữ vai trò hạt nhân, hình mẫu để mở rộng theo đề án chuyển đổi từ đất sản xuất lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. 1 ha bưởi VietGAP 5 năm tuổi sẽ cho thu hoạch mỗi năm 2 vụ, ước tính mức lãi vào khoảng 170 triệu đồng. Chưa hết, nếu thu hút và khai thác thành công vào mục đích du lịch, ngoài trái bưởi, bà con còn có thể phát triển thêm được nhiều sản phẩm khác nữa từ bưởi.
● Riêng năm 2022, Hoài Ân triển khai những phần việc nào của Đề án, thưa ông?
- Tháng 5.2022, chúng tôi tổ chức Ngày hội nông sản huyện Hoài Ân lần thứ I. Đây là dịp để nông sản Hoài Ân trình làng trong một diện mạo mới. Ngày hội là dịp để huyện giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đã có nhãn hiệu như “Bưởi Hoài Ân”, “Trà Gò Loi”, các sản phẩm đang trong lộ trình hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ như “Lúa hữu cơ Hoài Ân”, “Heo Hoài Ân”, “Gà ta thả vườn Hoài Ân”... Cùng với việc quảng bá sản phẩm, chúng tôi xem đây là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư, các DN trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ nông sản tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa phương; nhà quản lý giữ vai trò kết nối để đưa tới những cuộc gặp gỡ, ký kết thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện.
Quan trọng, chúng tôi thấy rằng nội lực phải đủ mạnh mới bắt kịp xu hướng phát triển và không để lỡ cơ hội. Nghĩa là phải xây dựng được vùng sản xuất chuyên canh của huyện, ứng dụng KHKT và công nghệ vào sản xuất; đào tạo nông dân tiếp thu và ứng dụng công nghệ mới để nâng chất lượng sản phẩm, có như vậy mới tạo được sự hợp tác và cạnh tranh công bằng. Hướng đi của huyện là hỗ trợ nông dân thông qua các HTXNN chuyên ngành kiểu mới - HTX đứng ra làm trung gian trong hợp tác giữa nông dân và DN.
● Chắc hẳn huyện Hoài Ân kỳ vọng rất nhiều vào Đề án này…
- Như ngay từ đầu tôi đã khẳng định, với Hoài Ân, sản xuất nông nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển KT- XH. Kỳ vọng lớn nhất của chúng tôi là đem lại hiệu quả kinh tế thật cao cho bà con, thu hút và khiến bà con nông dân yên tâm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp bền vững. Khi kết thúc Đề án, Hoài Ân sẽ hoàn chỉnh chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu dùng một cách khoa học, đạt hiệu quả cao nhờ những kênh phân phối năng động, linh hoạt nhất.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện xây dựng và đăng ký 14 nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Từng giai đoạn cụ thể, huyện phối hợp tổ chức hội thảo, tập huấn chuyên đề nhằm phát huy hiệu quả trong quản lý và sử dụng nhãn hiệu.
● Xin cảm ơn ông!
THU DỊU (Thực hiện)