Liên hợp quốc cảnh báo gần 9 triệu người ở Nam Sudan cần viện trợ
Theo Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Nam Sudan, tình trạng mất an ninh lương thực sẽ lan rộng và trở nên tồi tệ hơn vì biến đổi khí hậu, xung đột và nạn di dân.
Kiểm tra sức khỏe cho trẻ em suy dinh dưỡng tại Panthau, Nam Sudan. Ảnh: AFP/TTXVN.
Ngày 14.4, Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Nam Sudan cảnh báo gần 9 triệu người sẽ cần viện trợ trong năm nay, khi quốc gia này phải vật lộn với tình trạng bạo lực gia tăng giữa các phe phái vũ trang và khủng hoảng lương thực.
Các cuộc đụng độ đã bùng phát trở lại tại Nam Sudan, bất chấp Tổng thống Salva Kiir và đối thủ của ông - Phó Tổng thống Riek Machar, đã cam kết ngừng bắn, cũng như nỗ lực thực hiện các điều khoản quan trọng của Hiệp định hòa bình năm 2018.
Người đứng đầu Phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) Nicholas Haysom kêu gọi các nhà lãnh đạo của quốc gia châu Phi này tăng cường nỗ lực dập tắt bạo lực. Ông đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ cộng đồng quốc tế.
Phát biểu trước các phóng viên ở thủ đô Juba, ông Haysom nói rằng trong năm nay, 75% dân số của Nam Sudan, tương đương gần 9 triệu người, trong số đó 4,6 triệu trẻ em - sẽ cần viện trợ để tồn tại. Tình trạng mất an ninh lương thực sẽ lan rộng và trở nên tồi tệ hơn vì biến đổi khí hậu, xung đột và nạn di dân.
Ông cũng bày tỏ sự quan ngại đối với tình trạng bạo lực gia tăng ở các khu vực của Nam Sudan, đồng thời nhấn mạnh hoàn cảnh của hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa do xung đột nổ ra hồi tuần trước ở bang Unity giữa các lực lượng ủng hộ hai nhà lãnh đạo của quốc gia này.
Theo chính quyền địa phương, các cuộc đụng độ ở quận Leer đã khiến 14.000 người phải bỏ chạy.
Nam Sudan đã chứng kiến sự bất ổn kể từ khi giành được độc lập vào năm 2011. Đặc phái viên Haysom cho biết bạo lực bùng phát cũng như lũ lụt có nguy cơ xảy ra ở nhiều khu vực trong những tháng tới đang làm gia tăng số người cần viện trợ. Ông cho rằng việc duy trì viện trợ với ngân sách là nhu cầu khẩn cấp để ngăn chặn điều tồi tệ nhất xảy ra.
Hai nhà lãnh đạo đối lập của Nam Sudan hồi đầu tháng đã nhất trí về việc thành lập một bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang thống nhất - một phần mấu chốt trong thỏa thuận hòa bình. Ông Haysom hy vọng thỏa thuận này sẽ mở ra cơ hội giải quyết các vấn đề mà Nam Sudan phải đối mặt.
Ông khuyến khích tất cả các bên tạo động lực mới để hoàn thành các tiêu chí còn lại của hiệp định hòa bình và đạt được sự đồng thuận về thời điểm tổ chức bầu cử trong 10 tháng còn lại của giai đoạn chuyển tiếp.
Một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 2 năm theo hiệp định hòa bình sẽ kết thúc vào tháng 2.2023, với các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trước 60 ngày.
Tuy nhiên, ông Haysom cũng chỉ ra rằng Nam Sudan chưa sẵn sàng cho cuộc bầu cử do chưa đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, chẳng hạn như việc thành lập cơ quan quản lý bầu cử và luật bầu cử.
Ông khẳng định không thể tổ chức bầu cử nếu bạo lực lan rộng ra cả nước, đồng thời kêu gọi các bên đưa ra cam kết với mức độ cao hơn trong việc chung sống hòa bình trên toàn lãnh thổ Nam Sudan.
Theo Nguyễn Tú (TTXVN/Vietnam+)