Khuyến khích, phát triển đọc sách trong cộng đồng
Ngày 24.2.2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21.4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Ngày Sách nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Vấn đề đọc sách và lan tỏa việc đọc sách nhận được nhiều sự quan tâm của những người làm công tác văn hóa, giáo dục và người yêu sách.
1.
Đề cập đến vấn đề đọc sách hiện nay của người trẻ, nhà văn Nguyễn Đặng Thùy Trang bày tỏ: Hiện nay, tôi thấy có xu hướng chuyển từ sách giấy sang sách điện tử và các trang mạng xã hội. Sự thay đổi của đời sống công nghệ kéo theo người đọc có thêm nhiều lựa chọn. Tuy vậy, đọc sách giấy vẫn có cái hay của nó bởi sự trầm tĩnh cần thiết. Và phải nhìn nhận thực tế rằng, giới trẻ hiện nay rất ít đọc sách. Tôi nghĩ, một trong những nguyên nhân chính là do hiện nay các em tiếp xúc nhiều các mạng xã hội. Nếu có sự điều chỉnh của phụ huynh và có những chương trình gây hứng thú với các em hơn, xây dựng hình ảnh đọc sách, đọc sách giấy nhiều hơn, chắc sẽ có tác dụng thúc đẩy việc đọc hiện nay.
Các đại biểu xem sách tại Ngày sách Việt Nam tổ chức tại Vĩnh Thạnh năm 2021. Ảnh: VÂN PHI
Về vấn đề người đọc, TS Châu Minh Hùng, giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn, thẳng thắn nhìn nhận: Ngay trong giới có học và giới hàn lâm không phải ai cũng chịu đọc, có sức đọc. Cho nên nhiều tri thức được sản xuất ra lại không được tiêu thụ một cách phổ biến. Đó là nói tri thức tích cực, khai phóng chứ không nói đến tri thức cũ kỹ, nhàm chán, giáo điều. Riêng với cách dạy và học như hiện nay, việc đọc-với người dạy là đối phó với công việc, còn với sinh viên là đối phó với các kỳ thi. Động lực đọc sách hầu như không có. Nhiều giảng viên than phiền sinh viên hiện nay lười đọc sách. Tôi phải bật cười, và đặt câu hỏi, rằng chắc gì giảng viên đã chăm đọc sách. Tôi biết chắc nhiều giảng viên chỉ biết đọc và nhai đi nhai lại các giáo trình cũ kỹ. Thầy như vậy, sinh viên chịu khó đọc giáo trình cho là may rồi!.
2.
Ở Bình Định, với mong muốn lan tỏa văn hóa đọc, nhiều cá nhân, tổ chức đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực tạo xúc tác việc đọc và xây dựng thói quen đọc sách trong cộng đồng. Anh Trần Xuân Nhất, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Bình Định, cho hay: “Thư viện tỉnh đang tích cực thực hiện và triển khai kế hoạch quan trọng của UBND tỉnh là chuyển đổi số trong ngành Thư viện, phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng giai đoạn 2020-2025 và định hướng 2030 trên địa bàn tỉnh! Thư viện kết hợp nhiều hình thức để lan tỏa việc đọc và góp phần xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng”.
“Người trẻ hiện nay bị can dự quá nhiều từ những tiện ích mạng, những trò giải trí mang tính chớp nhoáng hời hợt. Tôi muốn lan tỏa tình yêu đọc sách, ít nhất là cho các học trò của mình. Để nhen lên tình yêu đọc sách cho học sinh, đầu tháng 4.2021, trường chúng tôi cho vận hành thư viện sách Learning Commons. Đây là hình thức thư viện tạo một không gian học tập mang tính cộng đồng, là nơi mà người đọc có thể tụ họp lại, nghiên cứu có định hướng, học tập và thư giãn, nơi mà cán bộ thư viện cùng với chuyên viên thông tin có thể phục vụ hiệu quả và hội nhập với cộng đồng quốc tế. Trường cũng dành một không gian cho sách văn học, lịch sử, văn hóa địa phương nhằm giúp các em có thêm điều kiện hiểu nhiều hơn về quê hương mình”
Thầy DƯƠNG VĂN MINH, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Quy Nhơn
Theo anh Nhất, đến hiện tại, Thư viện tỉnh đã xây dựng được 72 tủ sách, thư viện cấp cơ sở, trong đó phát triển cả thư viện ở các đồn biên phòng. Thư viện tỉnh còn phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức các hoạt động nhằm thúc đẩy văn hóa đọc như phối hợp với Trại giam Kim Sơn (Bộ CA) phát động phong trào đọc sách và tổ chức các cuộc thi giới thiệu sách như Kể chuyện theo sách, Viết cảm nhận về sách… thu hút hàng nghìn phạm nhân tham gia; phối hợp với Hội nông dân tỉnh mở thư viện các HTX nông nghiệp…
Đặc biệt, hình thức xe thư viện lưu động được Thư viện tỉnh triển khai từ năm 2019 đến nay mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Xe thư viện lưu động được hỗ trợ từ Dự án ô tô thư viện lưu động đa phương tiện “Ánh sáng tri thức” của VụThư viện (BộVH-TT&DL) và Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup). “Từ năm 2019 nay, xe thư viện lưu động tổ chức nhiều chuyến xe phục vụ học sinh ở 15 điểm trường, hầu hết là trường tiểu học, THCS ở vùng sâu, vùng xa. Mỗi điểm trường, xe phục vụ 3 đợt/năm. Đồng thời kết hợp tổ chức nhiều hoạt động vui chơi cho các em như vẽ tranh theo chủ đề, tô màu, đố vui có thưởng. Ngoài ra, Thư viện tỉnh còn tư vấn, giúp đỡ nghiệp vụ thư viện cho một số trường học, hỗ trợ cài đặt phần mềm quản lý thư viện…”, anh Nhất tâm sự.
3.
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều người thờ ơ với việc đọc sách là từ nhỏ không được rèn luyện thói quen đọc sách. Và điều dễ nhận thấy, chương trình giáo dục khá nặng như hiện nay khiến trẻ em không có thời gian và tinh thần để đọc gì thêm ngoài sách giáo khoa. Bên cạnh đó, trong các nhà trường, hầu như chưa có tiết đọc sách trong phân môn giảng dạy. Một cách nghiêm túc cần phải khẳng định rằng, đọc như là sự tái thiết ngôn ngữ chủ quan của người đọc trên nền văn bản khách quan. Mọi diễn giải đều có tính lịch sử, tức cách hiểu của từng thời đại, từng lứa tuổi, trình độ. Và cách đọc của cá nhân gắn liền với một “cộng đồng diễn dịch” nhất định.
Như vậy, hiểu luôn là cách hiểu khác với văn bản đã có. Điều đó không làm nghèo đi mà làm gia tăng sự giàu có về nghĩa của văn bản. Nói cách khác, việc đọc sách sẽ làm giàu, bồi dưỡng giá trị trí tuệ và tâm hồn. Tuy nhiên cần lưu ý rằng đó là nói với sách chuẩn. Phải “rào thêm” như vậy là bởi chất lượng của không ít ấn phẩm chưa đạt chuẩn, có vấn đề yếu kém chuyên môn, thậm chí về tư tưởng có thể tạo nên nhiều hệ lụy.
Chính những điều này đòi hỏi người đọc phải có sự chọn lọc phù hợp. TS Châu Minh Hùng nhấn mạnh: “Sách là ánh sáng tri thức nhưng cũng có thể là bóng tối làm mê muội, lú lẫn người đọc. Muốn thoát khỏi bóng tối của nó phải đọc tích cực, nôm na là “đọc sách nhưng đừng tin vào sách” (Abraham Lincoln), tức biết phản biện tri thức để sáng tạo, khai phóng tri thức”.
VÂN PHI