Hãy tìm đến “điểm chạm” với trẻ
Tình trạng trẻ vị thành niên tự tử do bị trầm cảm, áp lực học tập, áp lực kỳ vọng của cha mẹ, hay những áp lực khó nói… liên tiếp chỉ thời gian ngắn ngủi gần đây khiến dư luận xã hội bàng hoàng, đau đớn. Mỗi câu chuyện là một bài học cay đắng, thức tỉnh phụ huynh, người làm công tác giáo dục trong giáo dục và định hướng cho trẻ.
Áp lực về thành tích, thi cử, điểm số không chỉ là của riêng học sinh mà còn là của phụ huynh, cùng với đó là giáo viên. Một hiệu trưởng trường THCS tại Quy Nhơn cho hay, gần như năm học nào trường cũng có học sinh xin nghỉ học, bởi nhiều áp lực trong đó có áp lực học tập. Nhưng vị hiệu trưởng cảm nhận rõ rệt nhất khi nhiều học sinh, ngay cả những em cuối cấp chuẩn bị thi vào 10 trong năm học này cũng xin bảo lưu điểm nghỉ học, thậm chí bỏ học giữa chừng.
Một lãnh đạo trường học cũng là phụ huynh có con học khối lớp 9 từng kể về câu chuyện áp đặt chạy đua với các khóa luyện thi cấp tốc cho con, thậm chí mỗi môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh có đến 2 “cua” học thêm sau giờ học chính khóa. Cũng đôi lúc chị cảm giác con đuối sức, nhưng nhận ra thì đã muộn khi đích đến kỳ thi vào 10 không vào được trường công lập. “Tôi nhận ra khát vọng con cái trưởng thành, có thành tích học tập tốt là chính đáng, nhưng khát vọng ấy như “con dao hai lưỡi”, nếu sử dụng không đúng cách sẽ giết chết chính con mình”, chị tâm sự.
Tại hội thảo “Tuổi 15 trải nghiệm để trưởng thành” do Trường THPT FPT Quy Nhơn tổ chức cuối tuần qua, diễn giả Phan Hồ Điệp (giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam) chia sẻ: Cha mẹ hãy tìm đến “điểm chạm” với con cái. Khi con mất kết nối với cha mẹ, không tìm được một ai để lắng nghe, con sẽ tìm đến giải pháp tiêu cực cho chính mình. Vì vậy, cha mẹ cần tạo sự kết nối với con đúng cách. Cha mẹ hãy là nơi để con yên tâm, tin tưởng, trao đổi và chia sẻ bằng cách lắng nghe tích cực: Đó là lắng nghe tất cả những gì con chia sẻ, đừng chỉ nghe đúng những việc cha mẹ muốn nghe; nhìn vào mắt con để nghe con nói, không cắt ngang con trong quá trình con kể; khích lệ việc kể chuyện của con và giữ sự kết nối này thường xuyên.
HOÀNG ANH