Đưa pháp luật đến người dân ở Vĩnh Thạnh
Theo đánh giá của Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật- Theo dõi thi hành pháp luật (Sở Tư pháp), công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh ngày càng nền nếp, đi vào chiều sâu và đạt nhiều kết quả nổi bật.
Theo Phòng Tư pháp huyện Vĩnh Thạnh, trong năm 2021 và đầu năm 2022, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, UBND các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện vẫn nỗ lực tuyên truyền, PBGDPL cho các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn; nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề, lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm, như: Các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng; khiếu nại, tố cáo; bảo vệ môi trường; phòng, chống tác hại của rượu, bia; ATGT…
Hội viên phụ nữ xã Vĩnh Thịnh tham gia sinh hoạt CLB “Phụ nữ với pháp luật”. Ảnh: CÔNG LUẬN
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: PBGDPL là khâu đầu tiên trong hoạt động thực thi pháp luật; là phương tiện chuyển tải đường lối, chính sách của đảng, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ và nhân dân. Hiện trên địa bàn huyện có 22 báo cáo viên pháp luật, 100 tuyên truyền viên pháp luật và 59 tổ hòa giải ở cơ sở với 424 hòa giải viên.
Năm 2021, các địa phương, ban ngành, đoàn thể tổ chức PBGDPL bằng nhiều hình thức linh hoạt, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, tổ chức 61 cuộc tuyên truyền trực tiếp thông qua các cuộc họp ở làng, thôn, khu phố với gần 4.800 lượt người tham gia; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến với sự tham gia của hàng nghìn lượt người.
Ngoài ra, Phòng Tư pháp phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) và Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh tổ chức 5 đợt tuyên truyền pháp luật tại các điểm làng của xã Vĩnh Kim, Vĩnh Thuận, Vĩnh Thịnh. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định của Luật Đất đai; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Giao thông đường bộ…
Bà Đinh Thị Xinh, ở xã Vĩnh Sơn, chia sẻ: “Nhờ cán bộ tuyên truyền mà tôi biết thêm nhiều quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày, như nam, nữ không được phép cưới nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn. Hành vi chồng đánh đập, chửi mắng vợ con là vi phạm pháp luật và cần bị lên án, phê phán”.
Huyện Vĩnh Thạnh còn chú trọng xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình CLB pháp luật; toàn huyện có 30 mô hình với gần 800 thành viên tham gia. Trong đó, một số mô hình tiêu biểu, như: Phụ nữ với pháp luật; Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; Không sinh con thứ ba; Phụ nữ không phát rừng làm rẫy trái phép…
Ông Đinh Nớ, ở xã Vĩnh Kim, cho hay: “Tôi được tiếp cận, tìm hiểu nhiều kiến thức pháp luật thiết thực, bổ ích khi tham gia CLB “Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội”. Từ đó, tôi vừa áp dụng cho bản thân, vừa tuyên truyền, nhắc nhở người thân trong gia đình và bà con trong làng thực hiện đúng quy định, tránh vi phạm pháp luật”.
CÔNG LUẬN