Hiệu quả từ mô hình nuôi hươu, nai lấy nhung
Mô hình nuôi hươu, nai lấy nhung xuất hiện trên địa bàn tỉnh đã nhiều năm. Nhưng vài năm trở lại đây, khi việc buôn bán sản phẩm thuận lợi hơn, đặc biệt các sản phẩm chế biến sâu từ nhung đa dạng hơn và mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân bắt đầu mở rộng và phát triển mô hình.
Năm 2012, gia đình ông Nguyễn Trọng Đào, ở thôn Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh được nhận hỗ trợ 2 con hươu từ huyện Hương Sơn, một địa phương nổi tiếng cả nước về nghề nuôi hươu, nai lấy nhung ở tỉnh Hà Tĩnh, tặng cho huyện Vân Canh trong chương trình kết nghĩa giữa hai địa phương. Sau 1 năm chăm sóc, gia đình ông Đào thu được 4 lạng nhung bán được khoảng 6 triệu đồng. Năm 2014, ông Đào đặt mua thêm 4 con hươu nữa từ huyện Hương Sơn về thả nuôi, đến nay đàn hươu của gia đình ông lên tới 34 con. Hươu nuôi khi đạt đến 12 tháng tuổi là có thể lấy nhung và thời gian lấy nhung có thể kéo dài đến 20 năm, mỗi năm có thể cắt nhung 2 lần.
Ông Đào cho biết: Tôi vừa đặt mua thêm 40 con hươu giống Hương Sơn, dự kiến cuối năm nay sẽ nhận hàng. Số hươu này, tôi sẽ thả nuôi trên diện tích 17 ha đồi núi đã đầu tư trồng thông Caribean từ nhiều năm qua. Cùng với thông, tôi còn trồng cỏ để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho đàn hươu. Kiến thức và kỹ thuật về nuôi hươu tích lũy trong 10 năm qua giúp tôi tự tin triển khai mô hình. Khi mô hình vận hành ổn định, tôi sẽ tính đến việc thành lập HTX nuôi hươu, sản xuất, chế biến những sản phẩm từ nhung. Và cùng với bán nhung, nếu thuận lợi tôi sẽ bán cả con giống.
Nhận thấy việc nuôi hươu tương đối dễ học, nguồn thức ăn phong phú, có trong tự nhiên, hoặc cũng dễ trồng như: Cỏ sả, cỏ voi, các loại lá rừng... nhiều người dân trong tỉnh đã tìm đến nhà ông Đào tham quan, học hỏi. Bà Nguyễn Thị Thu Huế, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vân Canh, cho biết: Ở tỉnh ta có khá nhiều người nuôi hươu, thậm chí nuôi trước cả ông Đào, nhưng ông Đào là người phát triển mô hình bài bản, phù hợp với điều kiện ở địa phương. Đầu năm 2022, từ sự giới thiệu của chúng tôi, 2 hộ ở thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh), 1 hộ ở xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn) và 1 hộ ở xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) đã mua của ông Đào tổng cộng 13 con hươu giống. Ngoài ra, ông Đào còn hỗ trợ 4 con hươu giống cho 2 hộ khó khăn ở xã Canh Vinh để phát triển kinh tế hộ.
Tháng 3 vừa qua, gia đình ông Trần Trung Ngọc, ở thôn Hòa Thuận, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn quyết định vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để xây dựng chuồng trại, dùng lưới B40 rào xung quanh vườn nhà và mua 4 con hươu giống của ông Đào về thả nuôi. Ông Ngọc chia sẻ: Tôi mua 3 con hươu cái và 1 con hươu đực. Hươu cái không cho nhung nhưng tôi nuôi để tạo nguồn lấy con giống, phát triển đàn. Tôi thấy mọi việc đến nay đều ổn; không chỉ hỗ trợ, hướng dẫn nuôi hươu, ông Đào còn sẵn sàng mua nhung hươu của tôi. Thấy tôi nuôi nhiều người cũng quan tâm, đến hỏi thăm.
Không chỉ có nuôi hươu lấy nhung, tại huyện Vĩnh Thạnh còn có mô hình nuôi nai lấy nhung. Theo ông Lê Văn Xinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh, cả huyện có 2 hộ nuôi nai lấy nhung ở xã Vĩnh Hảo và Vĩnh Kim, tổng đàn 19 con. Nuôi nhiều nhất là hộ ông Nguyễn Văn Dũng ở làng Đắc Tra, xã Vĩnh Kim, với 17 con. Ông Dũng kể: Tôi bắt đầu nuôi nai từ năm 1996, ban đầu chỉ nuôi vài con. Để nhân đàn, năm 2013, tôi vào tỉnh Phú Yên mua thêm 5 con nai giống. Đến nay, gia đình đã có 17 con nai, chuồng trại được xây dựng rộng rãi nên đàn nai phát triển tốt. Trong đó, 9 con đực trưởng thành đang cho thu hoạch nhung. Mỗi năm cắt nhung từ 1 - 2 lần, bình quân đạt 3 kg/lần/con. Nhung nai của tôi được nhiều cá nhân, cơ sở chế biến đặt mua, nên nhiều lúc chưa cắt nhung mà đã hết hàng. Trong đó, có Công ty TNHH Springchi, ở thôn Vĩnh Trường, xã Vĩnh Thịnh, mua về tạo ra sản phẩm rượu nhung nai Vĩnh Kim. Sản phẩm này đã được UBND tỉnh chứng nhận OCOP đạt hạng 3 sao vào tháng 10.2021.
Ông Lê Văn Xinh vui vẻ cho biết: Rượu gạo Vĩnh Thạnh khá nổi tiếng, khi kết hợp với nhung nai đã tạo một dòng sản phẩm mới hấp dẫn. Từ nhung không chỉ chế biến được rượu nhung nai, mà còn có thể làm ra nhiều sản phẩm khác có giá trị cao, chất lượng tốt. Tới đây, huyện sẽ hỗ trợ người dân phát triển nghề nuôi nai lấy nhung.
ĐÌNH PHƯƠNG