Phụ nữ Hoài Ân làm kinh tế
Thời gian qua, ở huyện Hoài Ân có nhiều chị em đã vượt khó, cho ra đời nhiều sản phẩm OCOP chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Mỗi sản phẩm là 1 câu chuyện
Để xây dựng thành công một sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), chị em nào cũng phải hết sức nỗ lực vượt khó.
Chị Bùi Thị Thu Thắm (ở xã Ân Hảo Đông) bắt đầu nghề làm bún gạo khô với nhiều khó khăn vì vừa thiếu vốn, máy móc hạn chế dẫn đến năng suất thấp. “Những ngày đầu, tôi phải làm từ 3 - 4 giờ đến 23 giờ mới xong. Những khi thời tiết bất lợi như mưa to, nước tràn vào nhà làm hỏng bún, hỏng máy, dẫn đến nguy cơ lỗ vốn. Lắm lúc muốn bỏ cuộc, nhưng rồi nghĩ sau này sẽ hối hận vì không cố gắng hết mình, tôi lại tiếp tục làm”, chị Thắm tâm sự.
Chị Lai giới thiệu sản phẩm trà nụ hoa hòe. Ảnh: DƯƠNG LINH
Nhờ không bỏ cuộc, cộng thêm việc Hội phụ nữ xã động viên chị vay vốn để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, cơ sở của chị Thắm ngày càng “ăn nên làm ra”. Hiện tại, sản phẩm của chị có mặt trên nhiều siêu thị lớn nhỏ trong tỉnh và xuất đi nhiều nơi như Gia Lai, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, năm 2020, bún gạo khô cơ sở Biên Thắm của chị được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Còn chị Lê Thị Liễu (ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, chủ cơ sở sản xuất nem chả Ngọc Liễu) được biết đến bởi sự quyết đoán và là điển hình tích cực áp dụng KH&CN vào sản xuất. Từ việc làm hoàn toàn bằng tay, hiện nay, chị đã từng bước đầu tư, sử dụng hơn 10 loại máy hiện đại khác nhau trong sản xuất, đóng gói các sản phẩm. Nhờ vậy, nem chả của cơ sở chị được công nhận OCOP 3 sao, đồng thời được Viện Thực phẩm Việt Nam trao huy chương vàng, bằng chứng nhận Thực phẩm Việt tin cậy.
“Việc đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại và ứng dụng khoa học vào chăn nuôi, sản xuất vừa giúp giảm sức lao động, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa thu hút người tiêu dùng”, chị Liễu cho biết.
Góp thêm vào thành công chung của phụ nữ Hoài Ân khi làm OCOP là chị Ðặng Thị Cẩm Lai, Giám đốc Công ty TNHH Dulah. Vốn là dược sĩ, chị Lai nắm rõ tác dụng của dược liệu với sức khỏe con người. Lựa chọn nụ hoa hòe, chị phát triển nên sản phẩm trà nhận được nhiều phản hồi tích cực, nhất là từ các khách hàng lớn tuổi. Năm 2021, sản phẩm chính thức được công nhận OCOP. Sự chỉn chu, nghiêm túc của chị với “đứa con tinh thần” của mình thể hiện ở chỗ, không chỉ đảm bảo chất lượng bên trong, về mặt bao bì, chị cũng hết sức chú trọng. Với dòng sản phẩm trà thông thường hướng đến đối tượng người lớn tuổi, màu sắc sẽ đằm, tạo sự dễ chịu. Với dòng trà túi lọc hướng đến dân văn phòng, tông màu tươi sáng sẽ truyền thêm cảm hứng làm việc.
Đáng chú ý, chị đã cho thiết kế Đền thờ Tăng Bạt Hổ trên bao bì trên sản phẩm trà túi lọc. “Chi tiết này tuy nhỏ nhưng sẽ giúp khách hàng dễ dàng nhận diện và ghi nhớ nguồn gốc, xuất xứ của trà nụ hoa hòe. Đây cũng là cách mà tôi gửi gắm tình yêu quê hương và lòng tự hào về xứ Hoài của mình lên trên sản phẩm”, chị Lai tâm sự.
Điểm tựa vững chắc
Để góp phần giúp phụ nữ xây dựng thành công thương hiệu OCOP, các cấp Hội LHPN đã có nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau. Từ năm 2018 đến nay, đã có 113 hội viên được Hội hỗ trợ nguồn vốn, cây, con giống, dụng cụ, phương tiện sinh kế trị giá trên 100 triệu đồng. Hội còn vận động chị em tham gia các buổi hội thảo, tích cực giao lưu kiến thức, học tập kinh nghiệm, tiếp cận các chương trình chuyển giao KHKT; tuyên truyền, vận động những cách làm mới, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, kinh doanh...
Ngoài ra, Hội còn đóng vai trò cầu nối giữa chị em có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, nâng tầm sản phẩm với các nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, kinh doanh. Chị Ðặng Thị Cẩm Lai cho biết: “Trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, nhờ sự quan tâm, kết nối của Hội LHPN huyện, cơ sở của tôi đã được hỗ trợ chi phí để mua sắm máy móc cần thiết. Ngoài ra, các chị em thường xuyên ghé thăm và giới thiệu sản phẩm giúp, góp phần quảng bá cho trà nụ hoa hòe”.
Song song với đó, Hội còn tạo cơ hội cho phụ nữ thể hiện ý tưởng khởi nghiệp, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua ngày hội khởi nghiệp, tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp và tích cực vận động chị em tham gia các phiên chợ, gian hàng OCOP để tự đưa ra đánh giá khách quan về chất lượng, quy mô, nâng tính cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển chung. Bà Bùi Thị Thanh Hoa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoài Ân, cho biết: “Các cấp Hội LHPN huyện luôn sẵn sàng hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, đặc biệt là OCOP; nhất là điều kiện quảng bá sản phẩm, hoàn thiện các thủ tục liên quan theo phương châm nhanh gọn, chính xác để chị em yên tâm xây dựng thương hiệu”.
DƯƠNG LINH