Hoài Ân - một khúc tâm tình
Về Hoài Ân trong những ngày tháng 4 lịch sử, khắp mọi tuyến đường từ trung tâm huyện cho đến các vùng quê, đâu đâu cũng rợp bóng cờ đỏ sao vàng tung bay chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện Hoài Ân - địa phương được giải phóng sớm nhất tỉnh Bình Định từ tháng Tư năm 1972.
Trên tuyến ĐT 638 từ xã Mỹ Trinh (huyện Phù Mỹ) về trung tâm huyện Hoài Ân, bạn hãy dành chút thời gian ghé vào hồ Thạch Khê (xã Ân Tường Đông) vào một sớm mai tinh khôi, bạn sẽ thấy lòng thật bình yên giữa không gian khoáng đạt khi cây cỏ còn đậm hơi sương, những áng mây trôi lững lờ trên đỉnh núi.
Hồ Thạch Khê mang vẻ đẹp huyền ảo trong buổi sớm mai. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Rời hồ Thạch Khê về xã Ân Thạnh đến tham quan Đền thờ Tăng Bạt Hổ - chí sĩ yêu nước có nhiều đóng góp trong phong trào chống Pháp vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trong đền thờ, các công trình điện thờ, nhà truyền thống, bia di tích bài trí trang nghiêm; cỏ cây, hoa lá bố trí đẹp mắt. Tham quan điện thờ, nhà truyền thống trưng bày những tư liệu lịch sử về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của chí sĩ Tăng Bạt Hổ; tản bộ ngắm cỏ cây, hoa lá, rồi tới mộ cụ Tăng Bạt Hổ nằm trong khuôn viên di tích thắp nén hương tỏ lòng tri ân đến Ngài, cảm thấy tự hào hơn với truyền thống yêu nước của quê hương.
Khung cảnh trong Đền thờ Tăng Bạt Hổ bài trí trang nghiêm, đẹp mắt. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Một điểm đến khác bạn nên ghé là Văn chỉ Hoài Ân - di tích được phục dựng vào tháng 4.2012 trên nền Văn chỉ xưa ở thôn Hội An, xã Ân Thạnh. Đây được xem là niềm tự hào về truyền thống hiếu học của người dân Hoài Ân với những đóng góp của cụ Hồ Văn Nghĩa, người làng Vĩnh Phước (nay là thôn Vĩnh Viễn, xã Ân Tường Đông) đỗ Cử nhân năm Minh Mạng thứ 2 (1821), làm quan tới chức Tham tri - là người có công đầu trong việc sáng lập, xây dựng Văn chỉ. Văn chỉ Hoài Ân là một địa chỉ sinh hoạt văn hóa độc đáo, giáo dục thế hệ trẻ Hoài Ân nối bước cha ông làm rạng danh quê hương.
Rời di tích Văn chỉ Hoài Ân, ghé đến tham quan khu di tích lịch sử Núi Chéo, một địa danh lịch sử gắn liền với truyền thống đấu tranh anh dũng của quân, dân Hoài Ân. Từ năm 1964, Núi Chéo là cứ điểm quân sự do địch xây dựng. Từ năm 1972-1975, Sư đoàn Sao Vàng và quân, dân huyện Hoài Ân đã mở hàng trăm đợt tấn công lớn, nhỏ đánh chiếm cứ điểm của địch để giữ vững căn cứ cách mạng của huyện, tỉnh, quân khu V cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất năm 1975.
Văn chỉ Hoài Ân là niềm tự hào về truyền thống hiếu học của người dân Hoài Ân. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Từ khu di tích lịch sử Núi Chéo về lại thị trấn Tăng Bạt Hổ, bạn hãy đến thăm khu di tích nơi thành lập Chi bộ Vạn Đức vào năm 1931 - chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Hoài Ân, là di tích ở thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín, như một hành trình về nguồn ở Hoài Ân. Bên trong sân di tích, cây sộp cổ thụ đứng sừng sững là chứng tích của sự kiện thành lập Chi bộ Vạn Đức, vẫn sum suê, tỏa bóng mát rượi. Cạnh cây sộp là tấm bia ghi dấu di tích lịch sử nơi thành lập Chi bộ Vạn Đức, khẳng định: “Sự ra đời của Chi bộ Vạn Đức đã góp phần to lớn vào việc phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, khẳng định vai trò lãnh đạo của Chi bộ đối với phong trào cách mạng ở địa phương”.
Hoài Ân còn có nhiều thắng cảnh đẹp, như thác đổ Nghĩa Điền (Ân Nghĩa), thác Trà Kơi (Bok Tới), những vườn cây ăn trái trĩu quả ở Ân Tường Tây, Ân Tường Đông, làng nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Ân Hảo Đông, Ân Mỹ, các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã Ân Sơn, Đak Mang, Bok Tới... để khám phá thêm những vẻ đẹp muôn màu của mảnh đất và con người Hoài Ân.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN