KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HUYỆN HOÀI ÂN (19.4.1972 - 19.4.2022)
Tiếp nối truyền thống hào hùng, xây dựng quê hương giàu đẹp
Mỗi người dân Hoài Ân nói riêng, Bình Ðịnh nói chung đều rất tự hào khi biết rằng Hoài Ân là 1 trong 2 huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng từ tháng 4.1972 và giữ vững thành quả đó cho đến ngày thống nhất đất nước. Và, càng tự hào khi từ một mảnh đất hoang tàn đổ nát, sau nửa thế kỷ, Hoài Ân đã vươn mình mạnh mẽ, ngày càng giàu đẹp.
Theo đồng chí Đỗ Thị Diệu Hạnh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoài Ân, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hoài Ân là một trong những “chảo lửa” của chiến trường trọng điểm khu V và Bắc Bình Định, bị địch đánh phá ác liệt nhất.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vạch kế hoạch chiến dịch Xuân - Hè 1972 và phương án giải phóng Hoài Ân. Ảnh tư liệu
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân và quân Hoài Ân đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, đóng góp sức người, sức của, bám đất, bám làng cùng bộ đội chủ lực Sư đoàn 3 Sao Vàng chiến đấu anh dũng, lập nên nhiều chiến công vang dội. Trong đó, đỉnh cao là chiến dịch Xuân - Hè năm 1972, giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân vào ngày 19.4.1972, tạo hậu cứ vững chắc cho phong trào cách mạng ở Bình Định. Tiếp đó là hơn 1.000 ngày đêm kiên cường chống địch phản kích, giữ vững vùng giải phóng cho đến ngày thống nhất đất nước.
Chiến tranh đi qua, mảnh đất Hoài Ân chỉ còn lại tro tàn, đổ nát, tất cả hầu như bắt đầu từ con số không; kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp lạc hậu. Hơn nữa, vị trí địa lý không thuận lợi cho việc mở rộng hợp tác đầu tư phát triển kinh tế; trình độ đội ngũ cán bộ, nhất là về quản lý kinh tế chưa đáp ứng kịp yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới…
● Trước bối cảnh, điều kiện muôn vàn khó khăn, Đảng bộ, quân và dân Hoài Ân đã từng bước vượt qua thử thách, xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp. Theo đồng chí, đâu là những kết quả nổi bật trong quá trình ấy?
- Đảng bộ, quân và dân trong huyện đã phát huy truyền thống cách mạng, đem hết sức lực, trí tuệ, đoàn kết, đồng lòng, tự lực tự cường, linh hoạt, sáng tạo đề ra nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp với từng thời kỳ để khắc phục hậu quả và hàn gắn vết thương chiến tranh.
Đồng thời, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương và tranh thủ tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng vững mạnh.
Đặc biệt, trong 10 năm gần đây, kinh tế của huyện không ngừng phát triển khá, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm trên 11%. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện theo hướng tập trung trang trại quy mô lớn, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm các loại cây trồng, vật nuôi. Nhiều nông sản từng bước khẳng định được giá trị, thương hiệu trên thị trường như: “Trà Gò Loi”, “Bưởi Hoài Ân”, “Heo Hoài Ân”, “Dừa xiêm Hoài Ân”, “Gà ta thả vườn Hoài Ân”, “Gạo hữu cơ”... Riêng ngành chăn nuôi heo chiếm hơn 67% cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp của huyện và luôn đứng đầu tỉnh về tổng đàn và chất lượng.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kỹ thuật về giao thông, thủy lợi, các công trình phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, gắn với xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao được quan tâm đầu tư xây dựng kiên cố và đồng bộ. Công tác chỉnh trang đô thị ngày càng chú trọng, tạo cho diện mạo của đất Trung du ngày càng khởi sắc, văn minh. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng cải thiện và nâng cao.
Hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng đổi mới theo hướng sát cơ sở, sát địa bàn dân cư, phát huy tốt vai cầu nối giữa Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc.
Cầu Phú Văn - công trình giao thông quan trọng kết nối huyện Hoài Ân và TX Hoài Nhơn vừa được khánh thành. Ảnh: TRẦN ĐÌNH HÙNG
Tinh thần đoàn kết tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong quá trình đối phó với dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua. Các biện pháp phòng, chống dịch, thích ứng linh hoạt đã được triển khai hợp lý; các lực lượng chống dịch vào cuộc hết mình, nhân dân đồng tình ủng hộ.
● Quá khứ vinh quang là nền tảng quan trọng để huyện Hoài Ân tiếp tục có những bước tiến dài trên mọi lĩnh vực. Tới đây, trên hành trình hướng đến phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, huyện sẽ chú trọng những vấn đề gì, thưa đồng chí?
- Trong thời gian đến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện tiếp tục phát huy cao độ truyền thống anh hùng cách mạng, đoàn kết nhất trí, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, chấp hành tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, phát huy tối đa các nguồn lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Trung tâm huyện Hoài Ân ngày càng khang trang, sáng rỡ. Ảnh: TRẦN ĐÌNH HÙNG
Trong quá trình phát triển, yêu cầu tiên quyết là phải tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, trong toàn dân. Phải thực hiện thật tốt công tác vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận trước khi tiến hành từng công việc, từng hoạt động, nhất là triển khai các dự án, công trình dân sinh ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cộng đồng dân cư.
Đồng thời, từng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu; gìn giữ mối quan hệ gắn bó mật thiết với cơ sở, với người dân từng xóm, làng; đồng tâm, dốc sức vì công việc, vì lợi ích chung.
Những bài học lịch sử trong quá trình bảo vệ và xây dựng quê hương; sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của cấp trên; sự ủng hộ thường xuyên của các thế hệ nguyên cán bộ lãnh đạo và sự đồng thuận của toàn xã hội sẽ là nền tảng, là động lực để quê hương Hoài Ân tiếp tục vững bước trên đường phát triển.
● Xin cảm ơn đồng chí!
Mãi khắc sâu công ơn của các anh hùng liệt sĩ
Ngày nay, mảnh đất Hoài Ân đã hoàn toàn thay da đổi thịt, màu xanh đã phủ kín các ngọn đồi bị bom đạn cày xới năm xưa, nhưng vẫn còn đó máu xương của đồng bào, chiến sĩ, đồng chí, đồng đội từ khắp mọi miền đất nước mãi mãi nằm lại ở mảnh đất này. Công tác tìm kiếm, quy tập các anh hùng liệt sĩ luôn được Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành chú trọng.
Đặc biệt, từ ngày 10.3.2022 đến nay, huyện đã tích cực phối hợp với Bộ CHQS tỉnh tìm kiếm và phát hiện hố chôn tập thể với hàng chục hài cốt liệt sĩ tại đồi Xuân Sơn (xã Ân Hữu) đã hy sinh trong trận tập kích cứ điểm Xuân Sơn vào đêm 26.12.1966. Lễ truy điệu, an táng các anh hùng liệt sĩ được tổ chức nghiêm trang để tỏ lòng thành kính, biết ơn trước sự hy sinh của các đồng chí để bảo vệ mảnh đất thân yêu này. Đồng thời, tiến hành quy hoạch xây dựng nơi đây thành khu di tích lịch sử văn hóa để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
“Đảng bộ, quân và dân Hoài Ân luôn biết ơn công lao to lớn của các cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng và sự kề vai sát cánh hỗ trợ, chi viện kịp thời của quân, dân cả tỉnh và trong cả nước”, đồng chí Đỗ Thị Diệu Hạnh chia sẻ.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)