Dấu ấn “dân vận khéo” ở đất Trung du
Những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” luôn được cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể huyện Hoài Ân quan tâm, triển khai thực hiện trên nhiều lĩnh vực, huy động đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân tích cực tham gia.
Điểm đáng chú ý là MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội huyện Hoài Ân đã gắn phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các cuộc vận động, phong trào thi đua, trọng tâm là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với nhiều biện pháp, hình thức phù hợp thực tiễn ở từng địa phương, đơn vị.
Tuyến đường hoa xã Ân Hữu chào mừng kỷ niệm ngày giải phóng quê hương, đất nước. Ảnh: N.M
Điển hình, Hội LHPN các cấp trên địa bàn đã vận động phụ nữ, nhân dân xây dựng các tuyến đường hoa, hình thành cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Chị Trần Thị Bích Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Ân Hữu, cho biết: “Chị em phụ nữ, nhân dân hưởng ứng rất tích cực việc trồng hoa cho các tuyến đường. Mỗi gia đình phụ trách trồng hoa trước nhà mình; những đoạn không có nhà dân, Hội LHPN xã phụ trách trồng và chăm bón”.
Những tuyến đường nhiều màu sắc đã giúp con đường đi làm, đi học, trở về nhà của nhiều người trở nên thân thương, làm diện mạo của mảnh đất Trung du ngày càng tươi mới, đầy sức sống. Chỉ vào đoạn đường xanh ngắt, đủ loại hoa trước nhà mình, chị Võ Thị Thu, 54 tuổi, ở thôn Hội Nhơn, xã Ân Hữu, chia sẻ: “Có hoa thì cuộc sống của mình dễ chịu, thoải mái, đáng yêu hơn. Vì thế, cứ khi rảnh rỗi, chồng tôi lấy máy cắt cỏ, tôi và các chị em cuốc đất, trồng hoa. Chúng tôi trồng cây chiều tím, dừa cạn, cúc ven đường, trồng hoa giấy, sử quân tử trước cổng nhà...”.
Trong khi đó, góp phần vào công tác an sinh xã hội, xây dựng cộng đồng sẻ chia, Bếp ăn tình thương huyện Hoài Ân đã huy động sự tham gia của nhiều tình nguyện viên, nhà chùa, các hội đoàn thể… trên địa bàn. Ngày thường, Bếp phục vụ cho bệnh nhân nghèo tại TTYT huyện; đến giai đoạn dịch Covid-19 phức tạp, Bếp trở thành “hậu phương”, đưa những suất ăn nghĩa tình đến với lực lượng tuyến đầu chống dịch. Bà Ngô Thị Kim Anh - Chủ tịch Hội CTĐ huyện, đại diện Ban quản lý Bếp ăn tình thương huyện, tâm sự: “Chúng tôi rất vui mừng vì dù ở giai đoạn nào, dù nhiều khó khăn, các tình nguyện viên vẫn “bám” bếp, chung sức cho một khối lượng công việc lớn cần cả tâm sức, trách nhiệm”.
Bên cạnh đó, một dấu ấn nổi bật trong công tác dân vận ở Hoài Ân là hoạt động đối thoại được duy trì hiệu quả. Trong năm 2021, cấp ủy, chính quyền phối hợp với Mặt trận cấp xã đã tổ chức 10 cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân. Cụ thể, như: đối thoại về việc chưa thống nhất làm bãi rác tập trung tại thôn Vĩnh Viễn (xã Ân Tường Đông); việc mở rộng tuyến đường từ cầu Bù Nú đi làng T4, T5 (xã Bok Tới), mở rộng mương thoát nước từ cầu ngã 2 đến ngã 3 cầu Kim Sơn (xã Ân Nghĩa); việc giải phóng mặt bằng tuyến đường suối Le - Tân Xuân, xây dựng bờ kè chống sạt lở thôn Tân Xuân (xã Ân Hảo Tây); về giải phóng mặt bằng tuyến đường ngã 5 Gò Cau và tuyến đường Lê Lợi (thị trấn Tăng Bạt Hổ)…
Hoạt động đối thoại đã tạo môi trường dân chủ, cởi mở, thẳng thắn giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền kịp thời giải quyết các bức xúc, nhu cầu chính đáng của nhân dân, từ đó nâng cao niềm tin của nhân dân.
NGUYỄN MUỘI