Cựu chiến binh Ðặng Hà Thụy: Còn sống là còn đi tìm đồng đội
Ðã gần 80 tuổi, nhưng cựu binh Ðặng Hà Thụy (ở phường Hoài Thanh Tây, TX Hoài Nhơn, nguyên cán bộ Ðoàn 5501) vẫn dồn tâm sức cho hành trình tìm kiếm các phần mộ, hài cốt liệt sĩ. Mới đây, từ nguồn tin quý giá của ông, cơ quan chức năng đã khai quật và quy tập được hàng chục hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đồi Xuân Sơn (xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân).
Đau đáu Xuân Sơn
Hơn một tháng qua, hầu như tuần nào ông Thụy cũng dành thời gian lên đồi Xuân Sơn để xem tiến độ công tác quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS). Sức khỏe ngày một giảm sút, nhưng ông vẫn băng băng lên núi khảo sát, tìm kiếm vị trí các hố chôn tập thể khác. Xuống núi chưa kịp nghỉ ngơi, ông lại về nhà Tổ quốc ghi công thắp hương, xem lại các di vật, hoài nhớ đồng đội …
● Suốt nhiều năm qua, có một hành trình đặc biệt để tìm ra vị trí khu mộ tập thể đã chôn hàng chục liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đồi Xuân Sơn vào cuối tháng 12.1966. Trong đó, chỉ riêng ông đã dành ra gần 5 năm để nghiên cứu về sự kiện này. Xin ông chia sẻ đôi điều về cơ duyên dẫn đến kết quả bất ngờ của cuộc tìm kiếm?
- Trận tập kích cụm quân Mỹ đóng giữ tại đồi Xuân Sơn (Ân Hữu, Hoài Ân) do Trung đoàn 22 (Sư đoàn 3 Sao vàng) đảm nhiệm là một chiến công đặc biệt xuất sắc, kết thúc giòn giã đợt 1 chiến dịch Đông - Xuân (1966 - 1967) của Sư đoàn, giáng một đòn nặng vào chiến thuật “điểm tựa”, “đóng chốt” để càn quét dai dẳng của quân Mỹ. Tuy vậy, cũng đã có nhiều bộ đội của ta phải ngã xuống. Hàng chục năm qua, các anh vẫn nằm trong đất, không một ai biết đến. Chính vì vậy, tôi quyết tâm bằng mọi cách phải tìm bằng được vị trí mộ để đưa các anh trở về.
Ngày nào ông Thụy cũng dành thời gian nghiên cứu hồ sơ, thông tin để tìm kiếm liệt sĩ. Ảnh: H.P
Hành trình bắt đầu từ năm 2018. Tình cờ kết nối trên Facebook, tôi làm quen được với KTS Nguyễn Xuân Thắng - người có công mời được các CCB Mỹ sang Việt Nam và đã tìm được hố chôn tập thể 153 HCLS ở sân bay Biên Hòa. Tuy nhiên, những thông tin thu được ban đầu còn khá mơ hồ; tôi cùng Bộ CHQS tỉnh đi khảo sát, tìm kiếm tại thực địa không có kết quả.
Tôi duy trì liên lạc qua email, Facebook với các CCB của Mỹ và mở rộng việc tìm kiếm thông tin ở các kênh khác. Rồi cơ duyên cũng đến. Cuối năm 2021, tôi kết nối được với CCB Bob March (nguyên đại úy thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay số 1, trực tiếp tham chiến ở trận Xuân Sơn).
Qua trao đổi email, tôi gửi lời hỏi thăm và thuyết phục ông Bob hỗ trợ cung cấp thêm thông tin. Sau đó ông Bob chuyển cho tôi bảng tường thuật dài 4 trang A4 cùng các hình ảnh, sơ đồ vị trí hố chôn tập thể.
Bằng linh cảm của người lính, tôi ngay lập tức dịch các tài liệu vừa được cung cấp. Vừa dịch xong, lòng dâng trào niềm hy vọng đây có thể là manh mối giúp tìm kiếm liệt sĩ đã hy sinh.
Từ nguồn tin của ông Thụy, đầu tháng 3.2022, Bộ CHQS tỉnh tổ chức khảo sát, tìm kiếm, quy tập HCLS tại đồi Xuân Sơn. Quá trình khảo sát, ông Thụy chuyển hình ảnh từ thực địa cho các CCB Mỹ xem, góp ý, gợi ý thêm để điều chỉnh đúng vị trí. Quả nhiên, đến ngày tìm kiếm thứ 2, những di vật, sinh phẩm đầu tiên đã được tìm thấy.
● Khi được biết kết quả khai quật, ắt hẳn ông rất xúc động?
- Đúng vậy. Sau khi nghe tin về kết quả khai quật, tôi vội thu xếp lên hiện trường. Lúc nhìn thấy những di vật, sinh phẩm được cất bốc lên, tôi không cầm được nước mắt. Vừa mừng, vừa tủi, vừa thương. Các anh đã nằm ở đây 56 năm, dưới lòng đất lạnh lẽo mà gia đình, người thân, đồng đội không hề hay biết.
Nguyện tìm đồng đội
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Thụy trở về quê nhà sống cuộc đời bình dị. Trong ngôi nhà nhỏ, người cựu binh già vẫn đang sống cùng những đồng đội đã mất. Trên chiếc bàn ở phòng khách và trong tủ kính tràn ngập những tập hồ sơ, danh sách liệt sĩ. Các kỷ vật của các liệt sĩ xếp chồng chất chiếm hết mọi không gian và được ông xem như “bảo vật”.
● Hẳn phải có động lực to lớn mới khiến ông toàn tâm toàn sức cho những cuộc tìm kiếm gian truân, vất vả nhưng nhiều khi chẳng có kết quả gì?
- Trong sâu thẳm lòng mình, tôi chưa bao giờ nguôi thương nhớ những đồng đội, đồng chí đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. Vì thế, nhiều năm qua, tôi đi khắp nơi hỗ trợ để tìm kiếm thông tin, hướng dẫn xác định vị trí chiến trường, đính chính thông tin trên bia mộ và kết nối thông tin liệt sĩ với thân nhân.
CCB Đặng Hà Thụy (trái) thường xuyên có mặt tại hiện trường để hỗ trợ tìm kiếm chính xác các HCLS hy sinh ở đồi Xuân Sơn. Ảnh: H.P
Năm 2005, tôi dồn tất cả những đồng lương ít ỏi làm lộ phí đi đường để bắt đầu hành trình tìm về quá khứ. Việc đầu tiên là chọn ở mỗi huyện 3 - 4 nghĩa trang có nhiều mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin để chụp hình, sao lưu lại trong một tập sách dày; lấy các thông tin đó đăng lên các trang web tìm kiếm liệt sĩ và sau này là Facebook để tìm thân nhân.
● Tìm kiếm HCLS không chỉ cần công sức đơn thuần, mà còn phải có sự tỉ mỉ, thao tác khoa học. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Tôi sưu tầm được nhiều thông tin trong giấy báo tử liệt sĩ và ký hiệu hòm thư chiến trường phục vụ cho việc giải mã ra các mã hiệu - số hiệu - ký hiệu. Từ đó, phân định chính xác vùng, đơn vị mà liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh; giúp cho hàng chục gia đình tìm được nơi chôn cất người thân hoặc điều chỉnh chính xác thông tin liệt sĩ.
“Những thông tin bác Thụy cung cấp rất quý giá, có hệ số chính xác tương đối cao. Những ngày qua, bác hết sức nhiệt tình, trách nhiệm, thậm chí tự khảo sát trước hiện trường tại đồi Xuân Sơn để hỗ trợ Bộ CHQS tỉnh xác định chính xác địa điểm, vị trí để quy tập được các HCLS”.
Đại tá NGUYỄN XUÂN SƠN, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh
Phương pháp của tôi hoàn toàn mang tính khoa học, suy luận logic và có sự phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chứ không tìm mộ bằng ngoại cảm hay bói toán.
5 năm qua, tôi vẫn lưu giữ tờ Báo Bình Định số ra ngày 21.9.2017 có bản tin “Hoài Nhơn: Tổ chức lễ truy điệu và an táng 12 liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Tam Quan”. Đây là 12 liệt sĩ công tác tại Xưởng quân giới - Tỉnh đội Bình Định (nay thuộc làng M6, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn) do tôi tìm kiếm cả tháng trời và cung cấp thông tin để Bộ CHQS tỉnh tổ chức quy tập.
Đây là công việc tôi tự nguyện nhận lấy. Tất cả những gì tôi làm đều xuất phát từ cái tâm, cái tình của mình với đồng chí, đồng đội.
Đi đến khi không còn sức…
Là người “nâng khăn sửa túi” cho ông Thụy, bà Văn Thị Kim Dung chia sẻ rằng gia đình luôn ủng hộ để ông toàn tâm, toàn ý miệt mài bên những trang hồ sơ liệt sĩ. “Nay thấy ổng lớn tuổi, ba đứa con không cho đi xe máy lang thang khắp nơi nữa. Bù lại đứa thì tẩm bổ, đứa thì sắm máy tính, máy in, đứa làm đồ họa vẽ sơ đồ, hỗ trợ đưa thông tin lên mạng và kết nối với các nguồn tin trực tuyến để tìm liệt sĩ còn thất lạc. Với những người còn nằm lại, ông nặng lòng lắm!” bà Dung chia sẻ.
● Dường như ông chưa bao giờ hài lòng và muốn dừng tìm kiếm?
- Đúng vậy. Tôi vẫn còn đau đáu về việc mở rộng tìm kiếm hố chôn tập thể thứ 2 của các liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn và tìm mộ các liệt sĩ tại trận địa pháo ở An Quý (xã Hoài Châu, TX Hoài Nhơn).
Mỗi lần tìm được một HCLS là thêm một lần tôi cảm thấy nhẹ lòng. Nhưng vẫn còn biết bao người mẹ ngóng con, vợ ngóng chồng, anh mong em… Vì vậy, còn sống là tôi còn đi tìm đồng đội.
● Xin cảm ơn ông. Kính chúc ông mạnh khỏe để tiếp tục hành trình tìm kiếm đồng đội!
“Về dự lễ cầu siêu cho các liệt sĩ hy sinh ở đồi Xuân Sơn vào sáng 16.4, chị Lê Thị Thanh Vân (ở TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, con dâu của liệt sĩ Lê Đức Ninh, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 22) xúc động nói: “Dù chưa biết chính xác ba tôi có nằm trong số các HCLS vừa được quy tập hay không, nhưng khi có mặt ở đây, tôi thực sự cảm nhận được hương hồn của ba tôi đã và đang được cấp ủy, chính quyền và người dân chăm lo chu đáo. Tình cảm này gia đình rất trân trọng và không bao giờ quên”.
“Những dòng ký ức tôi không phải chỉ viết về tôi, mà số phận đã gắn tôi với đồng bào, đồng đội và đồng chí. Khi cuộc chiến kết thúc, ngày chiến thắng trở về cũng là lúc có biết bao nhiêu người vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Họ không còn để được chứng kiến ngày vinh quang của đất nước, dân tộc”.
(Trích hồi ký “Khoảnh khắc chiến trường” của CCB Đặng Hà Thụy)
HỒNG PHÚC (Thực hiện)