Cần phát huy tốt sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ, trẻ em
Không chỉ là công cụ để theo dõi sức khỏe sinh sản của bà mẹ và sự trưởng thành của trẻ, sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ, trẻ em còn là nhật ký của yêu thương, nơi lưu giữ những kỷ niệm.
Nhật ký mẹ và bé
Từ năm 2020, sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ, trẻ em (sổ theo dõi) được triển khai ở toàn bộ 159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Bà mẹ mang thai và bà mẹ có con dưới 6 tuổi đến khám thai, chữa bệnh tại trạm y tế xã và khoa sản, khoa nhi của các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) tuyến tỉnh, huyện được cấp sổ miễn phí.
Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản (TTYT TX An Nhơn) tập huấn sử dụng sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ, trẻ em cho nhân viên các trạm y tế. Ảnh: THÚY OANH
Đối với cán bộ y tế, khi khám, chăm sóc, tư vấn và điều trị cho bà mẹ và trẻ em sẽ ghi kết quả thăm khám vào sổ; tham khảo kết quả khám và điều trị các lần trước, liên quan của bà mẹ và trẻ em khi cung cấp dịch vụ. Sổ cũng là nơi ghi chép các thông tin về tình trạng dinh dưỡng, tiêm chủng của bà mẹ và trẻ.
Chị Nguyễn Thị Nam, nữ hộ sinh tại Khoa Sản, TTYT huyện Vân Canh, chia sẻ: Năm 2020, huyện bắt đầu triển khai sổ theo dõi. Trước đó chúng tôi được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tập huấn và về tập huấn lại cho cán bộ y tế của địa phương. Sau khi nhận sổ, chúng tôi cấp về trạm y tế và trạm cấp trực tiếp cho phụ nữ có thai. Vì là huyện miền núi nên nhiều nơi đi lại khó khăn, tại đó trạm y tế sẽ cấp cho y tế thôn hoặc cô đỡ thôn, làng để đưa tận tay cho phụ nữ có thai.
Không chỉ là tài liệu quan trọng dùng theo dõi sức khỏe của bà mẹ, trẻ em, sổ còn là nhật ký của mẹ và bé. Chị Nguyễn Thị Thúy Oanh, Phó trưởng Khoa CSSKSS, TTYT TX An Nhơn, chia sẻ: Ngoài việc thăm khám, ghi chép của nhân viên y tế, sổ theo dõi có điểm hay là thai phụ có thể tự theo dõi thai kỳ bằng cách điền vào những câu trắc nghiệm có trong sổ. Qua đó cũng có thể thấy được những điểm bất thường của thai kỳ để kịp thời phát hiện, thăm khám. Ngoài ra, sổ còn là nhật ký của mẹ và bé. Khi lớn lên xem lại, trẻ sẽ đọc được những thông tin mà cha, mẹ và các cán bộ y tế đã ghi chép và viết về mình từ khi còn nằm trong bụng mẹ đến khi chuẩn bị đến trường. Những thông tin ghi trong sổ này thể hiện sự chăm sóc sức khỏe của gia đình, cán bộ y tế và của xã hội đối với trẻ. Trẻ sẽ biết mình được sinh ra và lớn lên như thế nào trong tình yêu thương, chăm sóc của mọi người.
Còn nhiều khó khăn
Tuy sổ theo dõi có nhiều ý nghĩa nhưng phần lớn các bà mẹ chưa chú trọng việc giữ gìn sổ, hoặc quên mang theo sổ khi đi khám, đi sinh hoặc khi đi khám bệnh, đặc biệt là phụ nữ người dân tộc thiểu số, vì vậy các cơ sở khám bệnh không ghi chép được các thông tin theo dõi mẹ và bé một cách liên tục, đầy đủ vào sổ.
Việc cấp phát, tư vấn sử dụng sổ, nội dung ghi chép trên sổ và phần tư vấn cho gia đình tự ghi chép vào sổ nhiều nội dung nên cán bộ y tế không có đủ thời gian hướng dẫn và tư vấn khi cấp sổ cho bà mẹ. Một số cơ sở y tế vẫn chưa phối hợp tốt, cụ thể: Không khai thác việc bà mẹ có mang sổ theo dõi khi đến khám hay không, không ghi chép thông tin đầy đủ vào sổ khi khám thai, đỡ đẻ...
Đặc biệt, từ năm 2021, địa bàn phường và thị trấn không còn nhân viên y tế thôn, y tế khu vực hoạt động nên việc vận động phụ nữ có thai đến trạm y tế đăng ký quản lý thai và truyền thông về sổ gặp nhiều trở ngại. Chị Nguyễn Thị Thúy Oanh cho biết thêm: Hiện nay, không có y tế thôn, y tế khu vực nên việc tiếp cận phụ nữ có thai tại trạm y tế chỉ có một kênh là tiêm ngừa uốn ván. Vì vậy chúng tôi cũng hết sức tận dụng kênh tiếp cận này và chú ý việc tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế, một số địa phương, trạm y tế xã đã phối hợp với hội phụ nữ, hội nông dân… tuyên truyền vận động phụ nữ có thai và gia đình có con nhỏ dưới 6 tuổi giữ gìn và sử dụng sổ đúng mục đích, góp phần mang lại hiệu quả của chương trình. Để việc triển khai, sử dụng sổ hiệu quả hơn, Sở Y tế đã có đề xuất gửi Bộ Y tế có giải pháp tăng cường sử dụng sổ theo dõi điện tử, tích hợp vào hồ sơ sức khỏe điện tử công dân.
ĐỖ THẢO